Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:56 (GMT +7)
Gắn kết yêu thương, lan tỏa sự sẻ chia
Thứ 5, 26/01/2023 | 14:33:53 [GMT +7] A A
Phụ nữ ngày nay luôn được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bản thân, được trao nhiều cơ hội để làm những việc mình mong muốn. Nhưng ở đâu đó, với phụ nữ nghèo, kém may mắn, việc được cống hiến, thể hiện bản thân là điều không dễ dàng. Với sự góp sức của cả cộng đồng, mỗi người một tấm lòng yêu thương, san sẻ sẽ mang lại nhiều niềm vui lớn cho những mảnh đời còn thiếu may mắn, để mỗi gia đình của họ thêm đủ đầy, hạnh phúc.
Nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số
Thực tế, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) hiện còn phải đối mặt với nhiều rào cản về các hoạt động phát triển kinh tế; ít có cơ hội để tự quyết định vấn đề có ảnh hưởng đến chính bản thân họ. Những định kiến về giới khiến phụ nữ DTTS gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường và các hoạt động về sinh kế. Đặc biệt do rào cản về tri thức, phụ nữ DTTS ít có được những thông tin về các quyền tham gia và hưởng lợi từ các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất, tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực hay đứng tên vay vốn tín dụng ưu đãi...
Thấu hiểu được điều này, những năm qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã đồng hành, sẻ chia những khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn: Hỗ trợ phát triển kinh tế; thành lập các tổ hợp tác, HTX, tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ; tiếp cận vốn, chuyển giao KHKT, gắn kết người vay vốn với các mô hình tạo việc làm tại địa phương...
Từ hai bàn tay trắng lập nghiệp, đến nay hộ chị Lỷ Thị Mai (dân tộc Dao, thôn Đồng Mộc, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) đã thoát nghèo, có cuộc sống sung túc, ổn định hơn. Chị đã xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế vườn ao chuồng cho hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, mặc dù có đất canh tác tốt, nhưng do chưa có kinh nghiệm làm ăn, đời sống của gia đình luôn khó khăn, vất vả. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội LHPN huyện, xã, chị mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay gia đình chị dây dựng được hơn 1 ha trồng cây ăn quả các loại, chuồng trại nuôi trên 3.000 con gà, 2 ao nuôi cá rô phi, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Chị Mai chia sẻ: “Được tiếp cận nguồn vốn vay, năm 2010 tôi mạnh dạn đầu tư nuôi trên 300 con gà Tiên Yên, kết hợp với nuôi cá và trồng cây ăn quả. Đến nay cuộc sống của gia đình đã khấm khá hơn, xây được căn nhà khang trang, con cái được học hành đầy đủ...”. Được sự giúp đỡ của Hội LHPN xã, chị áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển đàn gà theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Chị cũng tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của hội phụ nữ, giúp đỡ các hộ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Chị Đoàn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Yên, cho biết: "Từ một hộ rất khó khăn, bản thân không biết đọc, biết viết, nhưng với nghị lực vươn lên, chị Lỷ Thị Mai đã học lớp xóa mù chữ, nghiên cứu đầu tư mô hình phát triển kinh tế. Chị là tấm gương phụ nữ DTTS tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện”.
Triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ DTTS, Hội LHPN tỉnh tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi nhận thức, nếp sống, xóa bỏ hủ tục; nâng cao thái độ, trách nhiệm trong giữ gìn vệ sinh môi trường tại gia đình và cộng đồng... Hội xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu huy động nguồn lực, hỗ trợ xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) xây 140 nhà tiêu hợp vệ sinh, đến nay đã khởi công, hoàn thành 130 nhà tiêu.
Hội LHPN tỉnh vận động phụ nữ DTTS xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả chương trình OCOP. Phụ nữ sinh sống tại địa bàn vùng cao, biên giới, hải đảo thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia; triển khai dự án thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em...
Trao cơ hội, gửi niềm tin
Năm 2022, Hội LHPN tỉnh giao chỉ tiêu cho các cấp hội giúp 107 hộ hội viên thoát nghèo, 293 hộ thoát cận nghèo. Hội phụ nữ các cấp đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh thực hiện các phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”; khảo sát, hỗ trợ phụ nữ xây dựng mô hình kinh tế phù hợp điều kiện từng địa phương bằng các hình thức: Giúp cây giống, con giống, vốn, hỗ trợ kỹ thuật, áp dụng KHCN, tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương...
Các cấp hội tiếp tục triển khai Đề án 939 của Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tập trung phát triển các mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, dịch vụ; duy trì hoạt động Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; phối hợp tham gia hoạt động ủy thác vay vốn Ngân hàng CSXH. Đến nay tổng dư nợ ủy thác 1.849,9 tỷ đồng; 1.023 tổ tiết kiệm vay vốn với 33.577 khách hàng; 6/13 Hội LHPN cấp huyện giải ngân trên 3,7 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế cho 242 hộ vay vốn.
Thực hiện chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương, các cấp hội phụ nữ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bằng nhiều hình thức giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo xây nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà an toàn, mô hình kinh tế, hố ủ phân hữu cơ...
Chị Chìu Si Múi (thôn Khe Mọi, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) chia sẻ: "Nhờ sự giúp đỡ của hội phụ nữ, gia đình tôi đã xây được căn nhà mới khang trang, vững chãi; được hỗ trợ kinh phí, định hướng phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt để vươn lên thoát nghèo”.
Các cấp hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn thông tin bổ ích, kết nối được các chương trình, diễn đàn mà ở đó phụ nữ có thể học hỏi, tiếp thu thêm nhiều kinh nghiệm để phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh doanh. Đặc biệt, chuyển đổi số đang có vai trò quan trọng nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Phụ nữ được tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội, mở ra cơ hội kinh doanh, hướng đi mới về sinh kế, việc làm cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()