Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 12:27 (GMT +7)
Chủ động phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em
Thứ 4, 23/11/2022 | 07:43:39 [GMT +7] A A
Việc thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm (từ ngày 15/11 đến 15/12) đã góp phần lan tỏa sâu rộng thông điệp về phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm luôn là dịp để các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông về bình đẳng giới, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Tại Quảng Ninh, thông qua các hình thức và đối tượng truyền thông đa dạng đã giúp góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực, ngay cả tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, các vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được người dân phản ánh ngày càng nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nói lên tiếng nói để đòi lại công bằng cho nạn nhân. Ngày càng có nhiều phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực đã dũng cảm lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực; nhiều thủ phạm gây bạo lực đã được các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm, thể hiện tính răn đe của pháp luật.
Tháng hành động năm nay tiếp tục là dịp để khẳng định sự vào cuộc chủ động của các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng đối với công tác phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em. Toàn bộ 13/13 địa phương trong tỉnh đều đã tổ chức lễ phát động để khởi động chiến dịch truyền thông lớn với nhiều hoạt động sôi nổi. Bao gồm: Ký cam kết thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới; treo trên 1.000 banner, phướn thả trên trục đường, phố trung tâm; quảng bá hoạt động của Ngôi nhà Ánh Dương trợ giúp nạn nhân bị bạo lực. Đồng thời tăng số lượt bài tuyên truyền trên các hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cấp phát tờ rơi, quạt nhựa in nội dung pháp luật; phát động các hội thi, hội nghị tọa đàm, hội thảo, đối thoại, tập huấn... về chủ đề của Tháng hành động.
Vừa qua, TP Hạ Long cũng đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phòng chống quấy rối, xâm hại tình dục cho phụ nữ và trẻ em, với sự tham gia của các thành viên mô hình “Thành phố an toàn, thân thiện, chống quấy rối, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em nơi công cộng” đang triển khai tại các phường Hà Khánh, Cao Xanh, Hà Lầm, Hà Trung, Hà Phong, Hà Tu.
Các ý kiến ghi nhận từ địa bàn cơ sở đều cho rằng, việc phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cần sự chung tay vào cuộc của mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Khi có hành vi bạo lực, xâm hại xảy ra, mọi người đều phải có trách nhiệm ngăn chặn và thông báo cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền để xử lý và hỗ trợ nạn nhân. Sự lên tiếng kịp thời, có trách nhiệm sẽ là động lực để nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ và dũng cảm đứng lên để đấu tranh chống lại bạo lực. Để làm được điều này, trước hết cần truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng rằng hành vi bạo lực là vi phạm pháp luật, cần phải công khai lên án và người gây bạo lực phải bị xử lý nghiêm minh...
Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Triều, hưởng ứng Tháng hành động năm nay, địa phương yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cho đến từng xã, phường đều quan tâm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền đối với phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể cũng tăng cường tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, không bạo lực. Về lâu dài, thị xã sẽ tăng cường xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bị bạo lực, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...
Trên địa bàn tỉnh đang duy trì 33 mô hình BĐG, 119 CLB hôn nhân gia đình và BĐG, cùng hàng trăm địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh, số điện thoại đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình ở cấp xã. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH đang triển khai thí điểm và nhân rộng 11 mô hình về phòng, chống bạo lực trên CSG (giai đoạn 2021-2023) tại 10 huyện, thị xã, thành phố; Sở GD&ĐT có mô hình trường học an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường tại 30 trường THCS...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()