Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:44 (GMT +7)
Gặp nghệ sĩ trọn đời tâm huyết với vai diễn Bác Hồ
Thứ 4, 05/04/2023 | 07:53:04 [GMT +7] A A
Tôi gặp Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tân trong buổi biểu diễn chào mừng Tháng Thanh niên, kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3 (1931-2023) do Đoàn thanh niên Trường THPT Cẩm Phả tổ chức. Đây là lần thứ 11, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tân đến Quảng Ninh để diễn vai Bác Hồ trên sân khấu.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tân quê ở làng Gai, xã Xuân Lương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Ông nổi danh là người thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu. Ông ảnh hưởng niềm đam mê nghệ thuật từ gia đình, lại có năng khiếu từ nhỏ và đã có mặt trên sân khấu ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước ở Đoàn Cải lương Vinh Quang, sau là Đoàn Ca - Múa - Nhạc Bắc Giang. Ham học hỏi, có chí vươn lên, ông đã vượt qua khó khăn trở ngại để tốt nghiệp Đại học Sân khấu. Khi còn trẻ, Nguyễn Văn Tân đã được giao đóng các vai như Tống Trân trong vở "Tống Trân – Cúc Hoa", Quốc Đạt trong vở "Tiếng trống Mê Linh", vai Thạch Sanh trong vở "Thạch Sanh"... Tất cả đều để lại dấu ấn, được khán giả khen ngợi, nhưng ông bảo vẫn tâm đắc nhất với vai Bác Hồ.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tân cho biết, ông mới chỉ được gặp Bác Hồ hai lần khi Người về thăm tỉnh Bắc Giang, từ đó lúc nào trong tâm trí ông cũng hiện hữu hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu. Bởi thế mà năm 1970, khi Trung ương có Chỉ thị về việc đưa hình tượng Bác Hồ lên sân khấu, lúc này Nguyễn Văn Tân đang là Đội trưởng Đội kịch Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc (cũ), ông rất hào hứng được thử sức mình.
Ngày 17/1/1974, cơ hội đã đến khi Nguyễn Văn Tân lần đầu được thể hiện vai Bác Hồ trong vở kịch “Một kỷ niệm cao quý”. Vai diễn để lại dấu ấn với nhiều người và trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, khi ấy là Vũ Thơ đã viết giấy giới thiệu ông ra Hà Nội với nội dung: “Gửi nghệ sĩ Văn Tân ra để học và thể hiện tinh thần, cốt cách Bác Hồ”.
“Một may mắn với tôi là đã được các đồng chí Vũ Kỳ, Hà Huy Giáp, Đặng Xuân Kỳ kể nhiều mẩu chuyện về đời sống của Bác rồi hướng dẫn tôi cách trồng cây, tiếp chuyện, tác phong của Bác khi tiếp khách trong nước và quốc tế, phong cách gần gũi, tình cảm của Người khi đến thăm các đơn vị... Đồng chí Vũ Kỳ còn tặng tôi bộ sách quý “Hồ Chí Minh toàn tập” gồm 10 quyển, một đĩa CD có 13 bài nói chuyện của Bác” - Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tân nhớ lại.
Ngày 18/5/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức cho các nghệ sĩ thể hiện hình tượng Bác Hồ qua các thời kỳ biểu diễn báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (lúc đó là nhạc sĩ Trần Hoàn) đã chọn 5 người đóng vai Bác Hồ là các nghệ sĩ Văn Tân, Tiến Hợi, Đức Trung, Tiến Thọ, Sĩ Hùng. Đó cũng là thời điểm ông “định danh” trong lòng người xem.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tân cho biết, ông đến Quảng Ninh lần này biểu diễn theo lời mời của Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Quảng Ninh trong chương trình Đảng ủy Than Quảng Ninh tổ chức Cuộc thi “Học tập và làm theo phong cách đạo đức Hồ Chí Minh” và góp phần giành giải nhì cuộc thi cho đơn vị này. Ông được coi là người được thể hiện nhiều nhất vai Bác Hồ trên sân khấu Việt Nam vì tính đến buổi biểu diễn cùng với các diễn viên quần chúng Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Quảng Ninh là buổi biểu diễn thứ 1.994 của ông. Dù cao tuổi, tôi thấy Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tân nhanh nhẹn hơn những người ở tuổi 80 mà tôi vẫn thường gặp. Buổi biểu diễn, ông tự hóa trang chứ không cần ekip hoá trang phục vụ. Hết buổi biểu diễn hay thời gian chờ suất diễn mới, ông tự lo cơm nước, cứ vào nhà hàng làm suất cơm vài chục nghìn đồng là ấm bụng. Ông bảo: “Chính từ lối sống bình dị mà tôi học tập được từ Bác, đã giúp tôi thành công khi đóng vai Bác Hồ”.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tân bảo ông có duyên với Quảng Ninh cũng là chuyện tình cờ. Năm 1992, ông đến Quảng Ninh và được lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh tặng cuốn sách “Bác Hồ với nhân dân và các dân tộc Quảng Ninh” do Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Quảng Ninh xuất bản năm 1971. Đọc sách, ông Tân thấy tâm đắc về bài viết trong sách nói về chuyến Bác Hồ ra thăm mỏ Đèo Nai. Từ đó ông tìm hiểu thêm nhiều bài viết về Bác với Quảng Ninh để có vai diễn sao cho thật phù hợp, vì hình ảnh của Bác đã khắc sâu trong lòng nhiều người dân Quảng Ninh.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tân đã có nhiều buổi biểu diễn ở Quảng Ninh vào dịp các địa phương, đơn vị tổ chức các buổi “Học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở Hạ Long, Cẩm Phả, Tiên Yên và nhiều đơn vị sản xuất than. Buổi biểu diễn giao lưu của nghệ sĩ cùng các thầy cô giáo và các em học sinh Trường THPT Cẩm Phả vừa qua, ông bảo: Tôi vẫn hồi hộp, vì thế hệ trẻ họ đều chưa được gặp Bác, không hiểu về vai diễn thế nào. Từ các buổi giáo dục của nhà trường về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã giúp các em hiểu, trân trọng hình ảnh của Bác, dù chỉ là vai diễn trên sân khấu. Các em ngồi im xem tôi diễn như ghi khắc sâu từng lời dạy của Bác và buổi biểu diễn của tôi đã thành công. Sau buổi biểu diễn đã có nhiều em chạy lên muốn được chụp ảnh với tôi và tôi càng thấy thêm yêu nghề.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tân kể, năm 1992, ông biểu diễn tại Trường PTDT nội trú THCS&THPT Tiên Yên ở huyện Tiên Yên, khi diễn xong có một cụ già đến cầm tay ông và nói: “Cuộc đời tôi chưa bao giờ được gặp Bác Hồ, nhưng thấy bác diễn trên sân khấu, tôi thấy rất xúc động như được trông thấy Bác” khiến ông vô cùng xúc động.
Được biết đến là người “vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu và điện ảnh Việt Nam phục vụ nhân dân nhiều nhất”, với gần 2.000 buổi trong suốt 49 năm qua, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tân luôn coi đó là may mắn, cơ duyên và cũng là trách nhiệm cao quý mà nghề nghiệp đã trao cho mình. Đến nay, tuổi đã cao, nhưng ông vẫn đam mê với nghề. Ông bảo: Cuộc sống của tôi giờ đã có lương hưu, con cái đã trưởng thành. Tôi chỉ muốn đưa hình ảnh của Bác Hồ đến với tất cả mọi người nhất là lớp trẻ ngày nay để các bạn trẻ hiểu hơn về Bác Hồ kính yêu.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()