Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 08:28 (GMT +7)
GDP 6 tháng tăng cao hơn kỳ vọng: Kinh tế Việt Nam sẵn sàng bứt tốc cuối năm
Thứ 7, 06/07/2024 | 08:37:31 [GMT +7] A A
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết 01 đề ra là 5,5 - 6%, đây được coi là dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực vẫn gặp khó do sức mua giảm thì tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II đạt 6,93%. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong cả giai đoạn 2020 - 2024.
Mức tăng ngoạn mục
Nhận định về những con số trên, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng kinh tế quý II đã gây bất ngờ, khi mà trước đó nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế quý này dù phục hồi nhưng khó có thể vượt 6%. “Mức tăng trưởng rất ngoạn mục, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 4,14%). Thời điểm này, mức tăng đến gần 7% chắc chắn là hiếm có với nhiều nước trên thế giới”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận xét.
Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng nhận định: Kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42% đã cao hơn mức tăng trưởng mục tiêu cận trên tại Nghị quyết 01 đề ra 5,5% - 6%. Đây là dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024. "Con số này đã thể hiện rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo”, bà Hương nói.
Sự vượt trội của GDP còn thể hiện ở mức tăng trưởng ẩn tượng với cả 3 nhóm ngành: nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 3,38%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,51%, dịch vụ tăng 6,64%.
Chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện. Mức tăng GDP theo giá so sánh với cùng kỳ đạt 175.400 tỷ đồng. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tính theo giá thực tế 1.451.300 tỷ đồng, tăng 6,8%. Tốc độ tăng năng suất lao động tính theo giá so sánh 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6%. Đó cũng là tốc độ tăng khá cao so với cùng kỳ những năm gần đây.
Trong báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2024, các chuyên gia của Ngân hàng UOB cũng bày tỏ bất ngờ: “Kết quả này gây bất ngờ so với kỳ vọng của UOB là 6% vì cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều hoạt động mạnh mẽ trong quý này”.
Phân tích về nguyên nhân GDP tăng trưởng vượt kỳ vọng, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, vốn FDI tăng trưởng tốt đã giúp tăng năng lực, mở rộng sản xuất trong nước. 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Ngoài ra, nhu cầu tại các thị trường lớn đang được cải thiện, giúp nhiều doanh nghiệp nội địa có đơn hàng mới, vì thế hoạt động sản xuất được thúc đẩy và hoạt động xuất, nhập khẩu sôi động trở lại. Trong khi đó, nhu cầu nội địa cũng từng bước phục hồi dù chưa đạt như kỳ vọng nhờ các biện pháp kích cầu. Bên cạnh đó, đầu tư công tiếp tục được đẩy nhanh giải ngân ngay từ những tháng đầu năm.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đánh giá cao mức tăng trưởng GDP đạt được sau 6 tháng: “Đây là sự tăng trưởng rất đáng kể và chỉ thấp hơn 6 tháng đầu năm 2022 (6,58%), còn cao hơn tất cả những năm khác là 1,74% năm 2020; 5,64% năm 2021 và 3,72% của năm 2023. Điều đó chứng tỏ nền kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi rất tốt”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu đó mới chỉ là con số GDP, còn nếu tính tổng thể nền kinh tế vẫn đối diện nhiều khó khăn. 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp phá sản, rời khỏi thị trường tương đối cao, bình quân mỗi tháng là 18,4 nghìn doanh nghiệp, trong khi đó cùng kỳ năm 2023 con số này là khoảng 10.000 doanh nghiệp.
Động lực tăng trưởng cuối năm
Mục tiêu đề ra cho cả năm 2024 là GDP tăng 6 - 6,5%. Cho đến gần đây, nhiều kịch bản của các cơ quan trong nước, quốc tế hay các ý kiến của chuyên gia vẫn khá thận trọng khi đưa ra dự báo lạc quan về kế hoạch này. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm khởi sắc đã mang lại sự tự tin lớn và là động lực để kinh tế Việt Nam bứt tốc trong những tháng cuối năm.
“Tính theo chu kỳ kinh doanh, chỉ số của quý III, quý IV sẽ tốt hơn nhiều so với quý I, quý II. Sự phục hồi của kinh tế Việt Nam bắt đầu từ năm 2023 và tăng trưởng dần ở các tháng cuối năm cũng như các quý của năm 2024. Mức tăng trưởng 6,42% của 6 tháng đầu năm sẽ là tiền đề để cả năm 2024 đạt được tăng trưởng từ 6- 6,5%.”, TS Võ Trí Thành nêu dự báo.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng lạc quan cho rằng các chính sách mới sẽ phát huy tác dụng trong dịp cuối năm, hỗ trợ tích cực nền kinh tế. Cụ thể, việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT và giảm 50% thuế trước bạ đối với ô tô sẽ là điều kiện thuận lợi để nâng mức tiêu dùng, luân chuyển hàng hoá. Hay việc tăng lương từ 1/7 với mức tăng cao nhất từ trước đến nay cũng sẽ bơm một dòng tiền rất lớn ra nền kinh tế để kích thích tiêu dùng.
"Mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là có thể đạt được”, ông Hiếu lạc quan nói.
Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương dự báo, sang quý III, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những rủi ro, bất ổn của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,0-6,5% của năm 2024 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Dự báo về kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm, các chuyên gia của HSBC nhận xét: Việt Nam đang sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ nửa cuối năm nhờ chu kỳ điện tử toàn cầu phục hồi và FDI tiếp tục tích cực. Việt Nam sẽ tiếp tục lộ trình phục hồi thúc đẩy bởi chu kỳ điện tử toàn cầu.
"Ở ASEAN, Singapore, Malaysia và Việt Nam đang củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành điện tử", James Cheo, Giám đốc đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Khối Dịch vụ ngân hàng và Quản lý tài sản chuyên biệt toàn cầu HSBC nói.
Đồng thời, triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang ổn nhờ sức hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò một điểm đến cho đầu tư. Trong khi chi tiêu trong nước cho thấy một bức tranh đa chiều, du lịch đang cho thấy phong độ phục hồi và nhiều khả năng đạt được mục tiêu 17-18 triệu lượt khách trong năm nay.
Trong khi đó, chuyên gia của Ngân hàng UOB nhận định Việt Nam đang có đà tăng trưởng kinh tế tích cực trong nửa đầu năm 2024. Nửa cuối năm, triển vọng kinh tế tiếp tục sáng, nhưng cần thận trọng bởi ảnh hưởng của cơ sở dữ liệu cao hơn, những rủi ro do xung đột làm gián đoạn thị trường năng lượng và thương mại toàn cầu. UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2024 là 6%.
Theo Vtc
Liên kết website
Ý kiến ()