Nghiên cứu do Viện Riken thực hiện, công bố trên tạp chí Communications Biology của Anh vào tháng 12. Đây là một phần trong nỗ lực tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân khiến số ca nhiễm nCoV nặng và tỷ lệ tử vong ở Nhật Bản tương đối thấp.
Nghiên cứu tập trung vào tế bào T "sát thủ", một phần của phản ứng miễn dịch khi virus xâm nhập cơ thể. Các tế bào này tìm kiếm và tiêu diệt những tế bào nhiễm bệnh, xác định chúng thông qua hợp chất peptit hoặc các đoạn protein cụ thể từ virus.
Nhóm nghiên cứu từ Viện Riken đã xem xét một loại kháng nguyên bạch cầu ở người, gọi là HLA-A24. Nó nằm trên bề mặt tế bào, giúp kích thích tế bào T, đóng vai trò quan trọng trong cơ chế tự phòng vệ của con người.
HLA-A24 xuất hiện trong máu của khoảng 60% dân số Nhật Bản. Khi một peptit gọi là QYI từ nCoV được đưa vào máu của tình nguyện viên có kháng nguyên này, tế bào T sát thủ phản ứng nhanh chóng. Các tế bào đó cũng phản ứng tương tự với virus corona khác, gây cúm mùa.
Nghiên cứu kết luận ở những người mắc Covid-19 có HLA-A24, tế bào T trong cơ thể nhớ lại những lần nhiễm virus corona cúm mùa trong quá khứ, từ đó tạo phản ứng miễn dịch hiệu quả. HLA-A24 phổ biến ở người châu Á, song hiếm hơn ở phương Tây, thường xuất hiện trong khoảng 10-20% dân số châu Âu và châu Mỹ.
Shin-ichiro Fujii, trưởng nhóm thí nghiệm liệu pháp miễn dịch của Viện Riken, người tham gia nghiên cứu, nhận định: "Đây có thể được coi là yếu tố bí ẩn (khiến số ca chuyển nặng và tử vong ở Nhật Bản thấp)". Thử nghiệm chỉ kiểm tra các tế bào cụ thể. Các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm về cách hệ thống miễn dịch của người có HLA-A24 phản ứng sau khi nhiễm nCoV.
Ý kiến ()