Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:17 (GMT +7)
Thẳng thắn, trách nhiệm vì lợi ích chung
Thứ 6, 04/11/2022 | 19:52:45 [GMT +7] A A
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung trí tuệ cao, tại Kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh khóa XIV, các đại biểu đã dành thời gian để đánh giá, thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng, nhất là những nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách có tác động trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh.
Lấy người dân làm trung tâm
Các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung trao đổi, thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh; chính sách trợ giúp pháp lý cho người DTTS tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện, các đại biểu cho rằng, BHXH là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, luôn được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng và Hiến pháp qua các thời kỳ, có vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, nhằm đảm bảo thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm, hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động...
Tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 251.170 người tham gia BHXH, trong đó chỉ có 21.070 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 3,34% so với lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh, độ bao phủ BHXH tăng chậm. Đặc biệt, nhiều lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, người nông dân chưa tham gia BHXH tự nguyện.
Từ thực tế nêu trên, các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất cần thiết phải ban hành chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách của tỉnh, đúng thẩm quyền, góp phần phát triển tỷ lệ bao phủ người dân tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh và giảm thiểu tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần; đồng thời là động lực để người lao động có thu nhập tham gia BHXH tự nguyện, thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh bền vững, giảm gánh nặng cho NSNN sẽ phải chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội, mua thẻ BHYT cho người cao tuổi sau này.
Đại biểu Vũ Thị Diệu Linh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, cho rằng: Chính sách BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để được hưởng các chế độ theo quy định. Chính sách BHXH tự nguyện có ý nghĩa rất lớn, nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia BHXH, là cơ hội tốt cho tất cả mọi người có thể tiếp cận được chính sách hưu trí, lương hưu khi về già, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Chính sách BHXH được thực hiện theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, được bảo lưu thời gian đóng, được cộng dồn thời gian đóng.
Liên quan đến chính sách trợ giúp pháp lý cho người DTTS tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh, các đại biểu cho rằng, sau khi thực hiện hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, hiện nay tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn, chỉ còn 12 thôn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Do đó, nhiều người DTTS cư trú ngoài 12 thôn đặc biệt khó khăn sẽ không được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, trong khi đời sống của người DTTS ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, điều kiện tiếp cận các dịch vụ pháp lý còn hạn chế.
Xuất phát từ điều đó, các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất đề nghị Kỳ họp ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người DTTS tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh để tạo sự bình đẳng trong tiếp cận công lý, tiếp cận pháp luật; phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 16/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra.
Đại biểu Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, cho biết: Căn cứ điểm a Khoản 6, Điều 19, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung); khoản 4 Điều 27, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khoản 9 Điều 30, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 thì HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định về chính sách trợ giúp pháp lý cho người DTTS tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 là đúng thẩm quyền.
Gia tăng giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 11 là Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Các đại biểu HĐND tỉnh đều đánh giá, thời gian qua công tác cải cách, hiện đại hoá hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã đạt được những kết quả tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục được cải thiện, thứ hạng về chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI dẫn đầu cả nước.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chưa khai thác, ứng dụng triệt để thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; cơ sở dữ liệu, liên thông, số hóa, chia sẻ dữ liệu chưa đầy đủ, đồng bộ; chất lượng chuyển biến trong một chỉ số thành phần trong các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI qua các năm chưa thật vững chắc, thiếu ổn định, có chỉ số nằm ở nhóm dưới; kỷ luật, kỷ cương hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...
Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 9/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của chiến lược xây dựng, phát triển của tỉnh trong thời gian tới và việc xây dựng những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện là rất cần thiết.
Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra các giải pháp trọng tâm thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chuyển đổi số.
Thảo luận các giải pháp nêu trong dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Lê Cao Long (Tổ đại biểu TP Hạ Long) cho rằng: Khi xây dựng các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh cần phải tập trung đánh giá kỹ thực trạng điểm số của chỉ số thành phần chỉ số PCI trong những năm vừa qua. Cụ thể, trong 5 giải pháp dự thảo Nghị quyết đưa ra, mới chỉ tập trung vào 2 mảng là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nguồn nhân lực, trong khi nếu đánh giá điểm chỉ số thành phần của tỉnh trong 3 năm gần đây, điểm số ở nhiều chỉ số thành phần chưa cao.
Các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh bám sát các định hướng, nội dung, nhiệm vụ trọng tâm theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chủ trương của tỉnh; đồng thời, cập nhật các văn bản mới ban hành của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp... để xây dựng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung cho thời gian tới nhằm đảm bảo tính logic, chặt chẽ với mục tiêu đề ra, đáp ứng cho công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh và tạo thuận lợi cho công tác giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh.
Linh hoạt, sáng tạo điều hành ngân sách
Kỳ họp đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến đối với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn NSNN. Cụ thể là việc điều chỉnh, bổ sung và phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2022; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách tỉnh.
Đây là những nội dung quan trọng của tỉnh nhằm điều chỉnh giảm các nhiệm vụ chi chưa phân khai, đã phân khai, nhưng không có khả năng giải ngân, hoặc hết nhiệm vụ chi để bổ sung cho các nhiệm vụ, nội dung thực sự có nhu cầu vốn, hoặc nhiệm vụ phát sinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực, giữa ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện, giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Các đại biểu HĐND tỉnh đều thống nhất cao đối với điều chỉnh, bổ sung và phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2022; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, nguồn vốn sau khi điều chỉnh giảm cần được ưu tiên bố trí bổ sung cho các dự án, công trình đã hoàn thiện thủ tục đầu tư bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, không tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí, tiêu cực và có khả năng giải ngân trong năm 2022, đặc biệt là phải cam kết với nhân dân về tiến độ triển khai để nhân dân giám sát.
Đại biểu Bùi Thị Hương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cho rằng: Việc điều chỉnh nguồn vốn đầu tư là cần thiết và phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Song để đảm bảo các mục tiêu đề ra trong năm, công tác điều hành ngân sách của UBND tỉnh phải hết sức chủ động, linh hoạt. Đặc biệt, cần có chế tài xử lý, kiểm điểm rõ trách nhiệm đối với các chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương phân bổ vốn chưa bám sát tiến độ thực hiện dự án, năng lực giải ngân yếu kém, nhất là đối với nhóm dự án thuộc lĩnh vực y tế, dự án hỗ trợ ngành Công an mua sắm thiết bị và trụ sở cảnh sát PCCC.
Giải trình làm rõ cho việc điều chỉnh nguồn vốn đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy cho rằng: Năm 2022, thị trường bất động sản trầm lắng, ít được nhà đầu tư quan tâm, giá đất thấp; khó khăn trong việc xác định giá đất, nên các địa phương chưa thể thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng chí khẳng định, đất đai là nguồn lực quốc gia, do vậy năm nay chưa thu thì sẽ triển khai thu vào các năm sau đó, không nóng vội mà làm giảm giá trị nguồn lực đầu tư từ đất. Mặc dù số thu tiền sử dụng đất có điều chỉnh giảm, tuy nhiên UBND tỉnh vẫn quyết tâm thu NSNN năm 2022 đạt không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, bằng việc đẩy mạnh tăng thu từ phí, lệ phí.
Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, đi đến cùng những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất cao với những nghị quyết được thông qua. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Những vấn đề bàn thảo và quyết nghị tại Kỳ họp đều là những vấn đề cấp thiết, trực tiếp liên quan đến an sinh xã hội đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong thực tiễn, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác điều hành phát triển KT-XH năm 2022 và những năm tiếp theo.
Để các quyết sách của HĐND tỉnh đi ngay vào cuộc sống, có hiệu lực và hiệu quả, đồng chí yêu cầu toàn tỉnh phải tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai các nhiệm vụ còn lại của năm 2022. Trong đó, phải ưu tiên cao nhất cho việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch, khai thác dư địa của khu vực xây dựng còn dư địa rất lớn, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt trên 11%, tổng thu NSNN trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, trong đó thu nội địa phải đạt dự toán HĐND tỉnh giao đầu năm 42.000 tỷ. Đặc biệt, phải tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, trong công tác chuẩn bị đầu tư công theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Đề xuất cơ chế, biện pháp nâng cao hiệu quả điều hành ngân sách địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách phù hợp với tình hình mới theo hướng tăng cường phân cấp sát với đặc thù của các địa phương.
Mạnh Trường - Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()