Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 08:56 (GMT +7)
Giá cabin điện tử “nhảy múa”, chất lượng thả nổi
Thứ 6, 16/12/2022 | 08:25:05 [GMT +7] A A
Giá một cabin điện tử đào tạo lái xe được cho là quá cao, trong khi chất lượng chưa được quản lý chặt khiến nhiều cơ sở đào tạo lái xe kêu trời.
Giá cao bằng một chiếc xe con
Theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ GTVT, bắt đầu từ ngày 1/1/2023, các trung tâm đào tạo lái xe ô tô phải áp dụng cabin điện tử trong đào tạo lái xe.
Học viên muốn có giấy phép lái xe sẽ tập lái mô phỏng trên nhiều loại đường, điều kiện thời tiết, tình huống giao thông khác nhau. Phần học trên cabin thay 3 giờ học thực hành trên xe.
“ Thiết bị cabin điện tử góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, giảm tai nạn giao thông, Bộ GTVT đã cho cho phép 1 lần lùi thời điểm áp dụng, đến nay phải bắt buộc thực hiện. Thông tư của Bộ GTVT cũng không quy định số lượng cabin các trung tâm phải trang bị. Tùy theo phân bổ kế hoạch đào tạo của các cơ sở quyết định đầu tư số lượng phù hợp, đảm bảo thời gian 3 giờ theo quy định. Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ Việt Nam ” |
Thời hạn áp dụng quy định không còn nhiều, các cơ sở đào tạo đang gấp rút đầu tư.
Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện các cabin điện tử đang được các nhà cung cấp thiết bị chào bán với giá cao ngất ngưởng, lên tới 450 - 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Bắc Hà (Bắc Ninh) khẳng định, giá như vậy là quá cao.
Cabin điện tử bao gồm phần cứng và phần mềm, trong khi phần cứng dễ định giá và không quá đắt, còn phần mềm gần như không ai biết được giá bao nhiêu.
Tuy vậy, phần mềm thiết bị cabin điện tử chỉ như trò chơi game nên không phức tạp.
“Cũng không loại trừ thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập về Việt Nam lắp ráp, sản xuất và gắn tem hợp quy”, ông Tuấn nói và cho biết: Trung tâm sẽ phải đầu tư tới 10 - 15 tỷ đồng cho khoảng 20 - 30 cabin để đào tạo khoảng 1.000 học viên/tháng. Mức giá 500 triệu đồng là quá sức. Trường hợp bắt buộc phải đầu tư, học viên sẽ phải chịu tăng học phí.
Tương tự, ông Lại Văn Chất, Trung tâm Dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ - Công ty Cổ phần Thành Đạt (Hà Nội) thông tin, cơ sở đào tạo có lưu lượng 1.000 học viên phải đầu tư 28 cabin điện tử, với 500 triệu đồng/cabin, trung tâm phải bỏ ra hơn 15 tỷ đồng.
“Không cơ sở nào chịu được gánh nặng chi phí này. Hiện cũng chưa có đề án nghiên cứu về giá cả, tính năng, tác dụng của cabin điện tử.
Tôi kiến nghị không quy định cứng mỗi học viên phải học 3 giờ. Chỉ nên quy định mỗi cơ sở đào tạo có 1 - 2 thiết bị, như một dụng cụ để học viên được tiếp cận với các tình huống giao thông”, ông Chất nói.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Thắng Quân, Chủ tịch Chi hội đào tạo sát hạch lái xe lý giải, khi đưa vào thực hiện quy định áp dụng thiết bị công nghệ mới cần có thí điểm.
Sau khi thí điểm đánh giá, cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra các tiêu chí thiết bị để xây dựng Quy chuẩn để phù hợp. Lúc này giá thành sản phẩm sẽ rẻ và phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Ai quản lý giá, chất lượng cabin?
Theo tìm hiểu, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng không quản lý chất lượng của sản phẩm cabin điện tử được bán ra thị trường mà chỉ quản lý sản phẩm mẫu mà nhà cung cấp đăng ký hợp quy.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, chất lượng sản phẩm cabin điện tử được bán ra thị trường có đảm bảo chất lượng như mẫu nhà cung cấp đăng ký hay không thì không ai kiểm soát.
Cũng không loại trừ trường hợp sau khi được cấp giấy chứng nhận hợp quy, nhà cung cấp bán tem cho nhà cung cấp khác.
Đồng tình với quy định áp dụng thiết bị cabin điện tử, tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Thăng Long (tỉnh Khánh Hòa) cho hay, giá thiết bị cabin tương đương với giá chiếc xe ô tô mới, xét về mặt tính năng, giá này là phi lý.
“Phần mềm viết chung chứ không phải viết cho từng cabin nên giá không thể cao như chào bán. Chúng tôi được chào giá 490 triệu đồng, các cơ sở phải đầu tư cả chục cabin là quá sức.
Cơ quan quản lý cần xem xét các điều kiện về giá thành, khả năng cung ứng để quy định được khả thi”, vị lãnh đạo này cho hay.
Về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, Cục này không quản lý về giá thiết bị cabin điện tử mà do thị trường quyết định. Trừ các đơn vị tư nhân, các cơ sở đào tạo tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp thiết bị.
Bộ GTVT chỉ ban hành Quy chuẩn về thiết bị, việc thử nghiệm chứng nhận hợp quy do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện. Sau khi công bố hợp quy, các nhà cung cấp thiết bị gửi về Cục để công bố trên website.
“Các nhà cung cấp thiết bị tự chịu trách nhiệm về tính hợp quy của sản phẩm và chất lượng hàng hóa do họ sản xuất, kinh doanh.
Quá trình sử dụng, các sở GTVT sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm có đảm bảo theo Quy chuẩn hay không”, ông Thống nói.
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()