Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 20/12/2024 00:46 (GMT +7)
Giá gạo xuất khẩu giảm nhẹ, giá càphê tiếp tục tăng mạnh
Chủ nhật, 17/11/2024 | 16:13:10 [GMT +7] A A
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ do lo ngại về nhu cầu nhập khẩu của Indonesia và thị trường giao dịch chậm, trong khi tại thị trường trong nước, giá càphê chạm mức cao nhất kể từ đầu vụ.
Giá lúa và gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua không biến động nhiều sau một tuần trước đó đã tăng khá.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ do lo ngại về nhu cầu nhập khẩu của Indonesia và thị trường giao dịch chậm.
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như IR 50404 từ 7.400-7.500 đồng/kg; lúa OM 5451 có giá từ 7.500-7.600 đồng/kg, tăng 100-200 đồng/kg; OM 380 là 6.800-7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 (tươi) từ 8.200-8.400 đồng/kg và OM 18 (tươi) từ 8.400-8.600 đồng/kg …
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000-18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg…
Gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu ở mức 10.300-10.500 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 bình ổn 12.300-12.500 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 6.050-9.400 đồng/kg. Hiện, giá tấm OM 5451 đi nganh ở mức 9.200-9.400 đồng/kg; giá cám khô ở mức 6.000-6.100 đồng/kg.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 515-520 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023. Con số này giảm so với mức 520-525 USD/tấn của tuần trước.
Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm do lo ngại về nhu cầu nhập khẩu của Indonesia trong năm tới, trong khi giá gạo của Ấn Độ giữ ổn định gần mức thấp nhất trong 15 tháng do nguồn cung tăng.
Indonesia là thị trường lớn của gạo Việt Nam sau Philippines. Trong giai đoạn từ tháng 1-10/2024, Indonesia nhập khẩu 1,1 triệu tấn gạo của Việt Nam, chiếm 14,2% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Tuy nhiên, một thương nhân ở tỉnh An Giang tin rằng Indonesia sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo từ Việt Nam vào năm tới. Còn Philippines trước đó cho biết sẽ giảm nhập khẩu gạo nhưng cuối cùng lại nhập khẩu nhiều hơn.
Tuần qua, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ổn định ở mức từ 440 - 447 USD/tấn, gần mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 440-450 USD/tấn.
Một thương nhân tại Kolkata cho biết nguồn cung từ vụ mùa mới có thể sẽ tăng trong vài tuần tới.
Các nguồn tin tuần trước cho biết lượng gạo trữ kho của Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 11/2024, gần gấp ba lần mục tiêu của chính phủ.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá đậu tương kỳ hạn tăng trong phiên 15/11 tại Sàn giao dịch hàng hóa Chicago, sau khi Trung Quốc cho biết sẽ cắt giảm ưu đãi xuất khẩu đối với dầu ăn đã qua sử dụng, một động thái có thể hạn chế lượng nhập khẩu vào Mỹ.
Trong khi đó, giá ngô và lúa mỳ kỳ hạn cũng tăng nhờ hoạt động mua vào.
Trong phiên cuối tuần, giá đậu tương tăng 11 xu, lên 9,98 USD/bushel, giá lúa mỳ tăng 6 xu, lên 5,36 USD/bushel và giá ngô tăng 5 xu, lên 4,24 USD/bushel ( 1 bushel đậu tương/lúa mỳ =27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Theo các nhà phân tích, sự gia tăng nhập khẩu dầu ăn đã qua sử dụng trên thị trường nhiên liệu sinh học của Mỹ đã cản trở nhu cầu về dầu đậu nành của nước này. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong xuất khẩu dầu ăn đã qua sử dụng từ Trung Quốc có thể thúc đẩy nhu cầu đó.
Giá đậu tương và ngô kỳ hạn giảm mạnh vào đầu tuần do có tin Tổng thống đắc cử của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã đề cử ông Lee Zeldin, người không ủng hộ nhiên liệu sinh học, làm người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, gây lo ngại về những tác động đến cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu đối với ngũ cốc và hạt có dầu.
Trong phiên cuối tuần, giá ngô tăng mạnh sau 4 phiên giảm. Trong cả tuần, giá nông sản này giảm khoảng 1,62%.
Trong khi đó, giá lúa mỳ chịu sức ép do đồng USD tăng giá lên mức cao nhất trong một năm trong tuần này, khi chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống, số liệu lạm phát của Mỹ và những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã làm tăng khả năng Fed hạ lãi suất với tốc độ chậm hơn.
Về thị trường càphê thế giới, phiên 16/11, giá càphê tăng tại cả hai sàn London và New York, nhờ nhu cầu cao từ các thị trường nhập khẩu lớn, trong khi nguồn cung từ các quốc gia sản xuất gặp khó khăn do thời tiết và chi phí sản xuất tăng.
Giá càphê Robusta tại sàn ICE Futures Europe (London) giao tháng 11/2024 tăng 6 USD lên 4.783 USD/tấn, giao tháng 1/2025 tăng 11 USD lên 4.706 USD/tấn.
Giá càphê Arabica tại sàn ICE Futures US (New York) giao tháng 12/2024 tăng 0,7 xu lên 279,65 xu/lb, giao tháng 3/2025 tăng 0,95 xu lên 280,35 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg).
Tại thị trường trong nước, giá càphê tiếp tục tăng mạnh tại các tỉnh trọng điểm, chạm mức cao nhất kể từ đầu vụ.
Nhìn chung, mức giá thu mua tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khoảng 113.500 - 114.000 đồng/kg, phản ánh nhu cầu cao từ các nhà xuất khẩu và sự khởi sắc của thị trường quốc tế.
Tại Lâm Đồng giá càphê tại Di Linh, Lâm Hà và Bảo Lộc đạt mức 113.500 đồng/kg.
Tại Đắk Lắk, khu vực Cư M’gar ghi nhận mức giá 113.800 đồng/kg, trong khi Ea H’leo và Buôn Hồ cùng đạt 113.700 đồng/kg.
Tại Đắk Nông, mức giá tại Gia Nghĩa đạt đỉnh 114.000 đồng/kg, cao nhất cả nước, trong khi Đắk R’lấp ghi nhận mức 113.900 đồng/kg.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()