Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 06:04 (GMT +7)
Giá hàng hóa tăng, áp lực lạm phát năm 2022
Thứ 6, 17/12/2021 | 23:25:07 [GMT +7] A A
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, có rất nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2022 như: Giá nhiên liệu được dự báo có nhiều diễn biến khó lường, giá vật liệu xây dựng tăng do nhu cầu đầu tư khi kinh tế phục hồi; giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống tăng theo quy luật vào dịp lễ, tết.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới kinh tế - xã hội trong nước khiến công tác điều hành giá năm 2021 gặp nhiều khó khăn.
“Tác động từ đại dịch ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng thế giới; đứt gãy trong chuỗi cung ứng vẫn chưa thể giải quyết; vấn đề địa chính trị giữa các quốc gia, việc thiếu hụt nguồn nguyên nhiên vật liệu, chất bán dẫn nửa cuối năm. Tuy nhiên, nhờ chủ động, linh hoạt trong điều hành, lạm phát của Việt Nam đã được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết. Dự báo lạm phát năm 2021 khoảng 1,9%, đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Lạm phát cơ bản năm 2021 dự báo khoảng 0,8 - 0,9%.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho rằng: Lạm phát năm 2021 ở mức thấp, tiếp tục củng cố niềm tin, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. 2021 là năm rất đặc biệt, kinh tế khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tổng cầu và khả năng sản xuất đều bị ảnh hưởng.
“Với dư địa chính sách tiền tệ, việc đảm bảo chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% là có thể đạt được nhưng nguy cơ rủi ro lạm phát năm 2022 không thể chủ quan. Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/tổng sản phẩm nội địa là 200% nên chịu áp lực rủi ro của lạm phát nhập khẩu”, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN cho biết.
Theo Bùi Thúy Hằng, việc kiểm soát lạm phát đối mặt với nhiều áp lực kết hợp từ cả yếu tố cầu kéo và chi phí đẩy như: Xu hướng tăng của giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới; khả năng phục hồi của giá thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc và gia cầm tươi sống trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục ở mức cao; chuỗi cung ứng trong nước và thế giới phục hồi chậm so với tốc độ tăng của tổng cầu khiến giá cả hàng hóa tăng nhanh. “Kinh tế nếu phục hồi trong năm 2022 dưới tác động của các gói hỗ trợ khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả”, bà Hằng cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, nguy cơ lạm phát năm 2022 là rất lớn. “Giả sử yếu tố đầu vào của nền kinh tế (nguyên liệu, nhiên liệu, phụ kiện, thiết bị, máy móc, phụ tùng) năm 2022 vẫn diễn biến như năm 2021, thì sau một thời gian ‘cắn răng chịu đựng’ không tăng giá, khi kinh tế phục hồi (dự kiến năm 2022 tăng 6 - 6,5%) doanh nghiệp sẽ chuyển toàn bộ yếu tố đầu vào của sản xuất thành giá bán”, ông Vũ Đình Ánh cho biết.
Chưa kể, ngành điện, nước, viễn thông đã giảm giá cho khách hàng hoặc ít nhất là không tăng giá trong suốt 2 năm qua, nhưng năm tới theo ông Vũ Đình Ánh, các ngành này có thể sẽ tăng giá. Dịch vụ do Nhà nước kiểm soát giá như học phí, viện phí 2 năm qua đã không tăng theo lộ trình, thậm chí nhiều địa phương còn giảm học phí, nhưng năm tới có thể ngành giáo dục và y tế sẽ xem xét tăng học phí, viện phí.
Cầu tiêu dùng đã bị kìm nén quá lâu, sức kìm nén đã tới giới hạn, không sớm thì muộn, người tiêu dùng không thể “thắt lưng buộc bụng” được nữa, vì các loại hàng hóa, dịch vụ cắt giảm đều là những loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, không thể không sử dụng.
Theo Bộ Công thương, trong năm 2022, đối với giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý dự kiến nếu phải điều chỉnh theo lộ trình thị trường sẽ tác động tới mặt bằng giá cả như: Giá dịch vụ giáo dục, giá điện, nước sinh hoạt, giá dịch vụ khám chữa bệnh…Vì vậy trong điều hành giá năm 2022, cơ quan quản lý cũng phải tính toán đến sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế, tình hình dịch bệnh kiểm soát nhanh sẽ kích thích tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và gia tăng áp lực lạm phát. Cùng với đó, chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục; rủi ro về thiên tai, thời tiết… là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng tới lạm phát năm 2022.
Về cơ bản, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2022 tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()