Tại miền Bắc, nhiều nơi giá heo hơi đã cán mốc 71.000 đồng một kg. Chỉ vài nơi như Phú Thọ, Vĩnh Phúc ghi nhận mức giá dưới 70.000 đồng. Mức giá trên đều tăng 5.000 đồng so với tuần trước.
Chung xu hướng, một vài tỉnh ở miền Nam cũng tăng sát mốc 70.000 đồng một kg. Trong đó, Cà Mau và Đồng Nai là hai nơi có giá tăng cao nhất khu vực. Các địa phương còn lại không ghi nhận biến động về giá là Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu, heo hơi ở mức giá quanh 62.000 đồng một kg.
Báo cáo của Chợ đầu mối Hóc Môn cho thấy giá heo tại Công ty C.P đang ở mức 66.000 đồng một kg, còn tại các trang trại nuôi là 68.000 đồng. Mức giá này tăng 2.000-4.000 đồng so với tuần trước đó.
Theo thương lái thu mua heo, giá hàng hóa này tăng trở lại là nhờ sức tiêu thụ tăng (hết rằm tháng 7, nhu cầu ăn chay chững lại). Cùng với đó, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục đi lên nên giá thành heo hơi tăng cao. Ngoài ra, hoạt động buôn lậu heo qua biên giới gia tăng khiến bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng và dịch tả heo châu phi gây ảnh hưởng đến nguồn cung ra thị trường, đẩy giá heo tăng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 7 tháng qua, Việt Nam chi gần 2,7 tỷ USD để nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính như ngô, đậu tương. Với mặt hàng ngô, Việt Nam nhập 5,1 triệu tấn, tương đương 1,8 tỷ USD trong 7 tháng. Giá trị bằng cùng kỳ năm ngoái nhưng sản lượng ngô nhập giảm 21,9% do giá nguyên liệu tăng cao kỷ lục.
Giá thức ăn từ cuối năm 2021 đến nay đã tăng gấp đôi, trong khi giá heo hơi tăng khoảng 20-30% so đầu năm. Người nuôi heo cho rằng, giá thành heo hơi tại trại nuôi đang quanh mức 60.000-63.000 đồng một kg. Theo đó, chỉ khi giá heo hơi ở mức 65.000 đồng trở lên họ mới có lãi và có thể tăng sản lượng tái đàn.
Ý kiến ()