Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:00 (GMT +7)
Gia tăng các trung gian thương mại nước ngoài giúp Nga vượt rào cản trừng phạt
Thứ 5, 07/11/2024 | 10:12:05 [GMT +7] A A
Với tỷ lệ tham gia vào các giao dịch đạt tới 80%, các trung gian này giúp doanh nghiệp Nga vượt qua rào cản trừng phạt từ phương Tây.
Theo thông tin mới nhất từ tờ Vedomosti (Nga), các đơn vị trung gian thương mại đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thanh toán xuyên biên giới của Nga, với tỷ lệ tham gia lên tới 80% tổng giao dịch. Con số này đánh dấu sự tăng trưởng đột biến so với mức chưa đến 20% được ghi nhận vào đầu mùa hè năm nay, trước khi các lệnh trừng phạt mới của phương Tây nhắm vào Sàn giao dịch chứng khoán Moskva.
Những trung gian này thường là các công ty có mối liên kết chặt chẽ với các nhà xuất khẩu Nga. Họ duy trì văn phòng đại diện tại cả Nga và các quốc gia đối tác thương mại chính, chẳng hạn như Kazakhstan và Trung Quốc. Cơ chế hoạt động của họ khá đơn giản: khi doanh nghiệp Nga cần thanh toán cho đối tác nước ngoài, họ sẽ chuyển tiền rúp cho trung gian, sau đó trung gian này sẽ thực hiện việc thanh toán cho nhà cung cấp tại nước sở tại.
Theo chia sẻ từ một luật sư chuyên về thương mại quốc tế với tờ Vedomosti, gia tăng vai trò của các trung gian là hệ quả tất yếu khi "nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp đã có tác động làm tê liệt phần lớn các ngân hàng Trung Quốc". Điều này khiến việc giao dịch trực tiếp với các ngân hàng ở nước thứ ba trở nên gần như bất khả thi.
Tuy nhiên, dịch vụ này không hề rẻ. Chi phí trung gian có thể lên đến 8%, tùy thuộc vào giá trị giao dịch, vị trí địa lý và loại sản phẩm. Một nhà nhập khẩu vật liệu xây dựng tiết lộ rằng thời gian hoàn tất giao dịch có thể kéo dài từ 5 ngày đến 3 tuần. Mặc dù phương thức này nhanh chóng và thuận tiện hơn so với kênh ngân hàng truyền thống, chi phí cao hơn là điều không thể tránh khỏi.
Các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây đang có tác động trong khi Nga vẫn chưa tìm ra giải pháp mang tính hệ thống để đối phó. Hậu quả là sự phân mảnh dần dần của hệ thống tài chính, dù đây là một quá trình diễn ra chậm chạp. Tham vọng giảm phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ của Điện Kremlin vẫn còn thách thức, trong khi các doanh nghiệp Nga phải tiếp tục gánh chịu chi phí gia tăng do trừng phạt. Đối với người tiêu dùng Nga, hệ quả không thể tránh khỏi là giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()