Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:43 (GMT +7)
Gia tăng giá trị hàu Thái Bình Dương
Chủ nhật, 11/07/2021 | 07:06:16 [GMT +7] A A
Đa dạng hoá sản phẩm, đầu tư, chuyển đổi và tìm hướng xuất khẩu… với hàu Thái Bình Dương là hướng đi khai thác thế mạnh của vùng nuôi, vật nuôi chủ lực này của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (Tập đoàn BIM).
Trong những năm gần đây, diện tích nuôi hàu Thái Bình Dương ở vùng nuôi Vân Đồn liên tục tăng mạnh. Sản lượng tăng, chất lượng hàu giảm trong khi sản phẩm chế biến từ hàu hạn chế nên nhiều khi việc tiêu thụ gặp khó khăn, nhất là các đơn vị nuôi trồng lớn.
“Vì thế, từ khi hình thành vùng nuôi, chúng tôi đã định hướng phát triển đa dạng các sản phẩm, mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu. Đây là hướng đi bền vững, gia tăng giá trị con hàu” - bà Trần Thị Mến, Giám đốc Nhà máy Chế biến hàu và các sản phẩm thuỷ hải sản Vân Đồn (Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long) chia sẻ.
Là doanh nghiệp tiên phong nhập khẩu giống về nuôi tại Vân Đồn năm 2007, Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long phát triển vùng nuôi hàu Thái Bình Dương tại Bản Sen với diện tích nuôi 500ha, sản lượng trung bình 600-800 tấn/năm.
Ngoài hàu nguyên liệu, trong giai đoạn 2008-2009, những sản phẩm đầu tiên được Công ty quan tâm chế biến là hàu nguyên con và tách vỏ. Sản phẩm được đưa vào các siêu thị Metro, GO!, Vinmart, Coop mart ... được người tiêu dùng đánh giá cao. Giai đoạn 2014-2018, sản lượng đỉnh điểm có thể đạt 10 tấn hàu nguyên liệu/ngày.
Với định hướng mở rộng thị trường, Công ty phát triển thêm 10 đầu sản phẩm như: Chả hàu, hàu phô mai, nem hàu, tinh hàu, mắm hàu được thị trường đón nhận khá tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, sức tiêu thụ giảm hẳn khiến Công ty phải cơ cấu lại sản phẩm, giảm sản lượng sản xuất.
Công ty đã tập trung nghiên cứu, sản xuất hàu thịt, hàu nửa mảnh đông lạnh sử dụng công nghệ cấp đông nhanh. Đây là các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan… Yêu cầu cao về chất lượng, hàu phải béo, kích cỡ đạt trên trung bình, độ dài từ 8-10cm. Tuy nhiên, hành trình “xuất ngoại” hay gặp khó khăn trong đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, rào cản về kỹ thuật...
Thực tế, gần đây, sản lượng, diện tích nuôi hàu ở Vân Đồn tăng mạnh, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Theo tính toán, hàu dùng nguồn thức ăn là nguồn phù du, tảo biển, vùng nuôi trải dài, lượng nuôi lớn vì thế nguồn thức ăn không kịp sản sinh khiến hàu nuôi lâu lớn, không béo, đa phần không thể đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mà chỉ dùng cho các sản phẩm chế biến.
Trước mắt, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Công ty đã cải thiện chất lượng giống, lưu giữ tốt giống bố mẹ, chống cận huyết, thay đổi vật liệu nuôi; giám sát chặt, kiểm tra dư lượng trước khi thu hoạch. Đồng thời, Công ty tiếp tục mở rộng hợp tác với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á xuất khẩu những sản phẩm chế biến theo yêu cầu của đối tác.
Đồng thời, quan tâm chuẩn hoá quy trình chế biến, đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như: Máy rửa hàu, máy chế biến hàu, đóng gói, hút chân không tự động, cải tiến nhà xưởng, chuẩn bị quỹ đất xây dựng hạ tầng, dây chuyền cấp đông hiện đại…
Theo các chuyên gia, bên cạnh những thách thức, ngành thủy hải sản đang đứng trước nhiều cơ hội nếu biết khai thác đúng và hợp lý các tiềm năng hiện có. Có thể thấy, chúng ta hoàn toàn có thể cung cấp những sản phẩm chất lượng, sản lượng cao. Ngoài sự nhạy bén, thích nghi của doanh nghiệp, rất cần sự quan tâm, quy hoạch phát triển một cách bền vững, bài bản đặc biệt với sản phẩm hàu Thái Bình Dương.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()