Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 05:51 (GMT +7)
Gia tăng người cao tuổi, mắc bệnh lý hô hấp nhập viện vì lạnh sâu
Thứ 7, 31/12/2022 | 14:50:10 [GMT +7] A A
Trong đợt rét đậm, rét hại diễn ra mấy ngày qua, ghi nhận tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, người cao tuổi, người có tiền sử các bệnh về đường hô hấp, tim mạch nhập viện gia tăng.
Gia tăng người cao tuổi nhập viện
Bà Hoàng Thị H. (70 tuổi) mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp. Do bệnh nhân không đáp ứng với thở oxy, các bác sĩ đã tiến hành đặt ống thở cho bệnh nhân.
Theo chia sẻ của người nhà, bà H. mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đã nhiều năm. Mấy ngày trước bà mệt, ho và sốt, được gia đình đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh.
Tuy nhiên, tình trạng của bà không thuyên giảm mà ngày một nặng, bệnh viện tuyến dưới đã chuyển bà lên tuyến trên và được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp đã ghi nhận nhiều ca cấp cứu đến viện trong tình trạng nặng, phần lớn phải thở oxy, thở máy, trong đó có một vài ca tử vong.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ cho biết, trong 3 ngày đầu của đợt rét đậm, bệnh nhân vào nhập viện tăng nhẹ, khoảng 20-30 ca/ngày.
Vào nhập viện cấp cứu thường gặp là nhóm bệnh về đường hô hấp như: Viêm phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp…
Nguy hiểm của nhóm bệnh đường hô hấp trong mùa lạnh là khi nhiệt độ hạ thấp, khả năng bảo vệ đường thở kém, sức đề kháng giảm, diễn biến viêm phổi nhanh, có thể sáng chỉ ho, đến trưa đã tức ngực, khó thở, khi vào viện đã suy hô hấp. Theo bác sĩ Thắng, ở nhóm này viêm phổi diễn biến nhanh và rất nặng.
Tương tự, tại Bệnh viện Phổi Trung ương cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp đến viện trong tình trạng rất nặng. Bệnh nhân nằm kín Khoa Hồi sức tích cực, phần lớn phải thở máy.
Ông N.V.C (65 tuổi, Hòa Bình) phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cách đây 4 năm. Trước khi vào nhập viện 1 tuần, ông sốt cao, điều trị tại bệnh viện huyện và tỉnh không đỡ.
Khi lên tuyến Trung ương, ông viêm phổi rất nặng, sốc nhiễm khuẩn phải can thiệp ECMO và lọc máu. Sau gần 1 tuần điều trị tích cực, may mắn ông tỉnh táo, cai được ECMO.
Tại Khoa Hồi sức Tim mạch, Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gần đây liên tiếp tiếp nhận bệnh nhân bị thuyên tắc động mạch phổi. Đây là một căn bệnh khá phổ biến đứng thứ ba trong các biến cố về tim mạch sau nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Các triệu chứng lâm sàng của thuyên tắc phổi rất đa dạng và hầu hết đều không đặc hiệu, có thể xuất hiện ở rất nhiều bệnh cảnh khác nhau như nhồi máu cơ tim, phản vệ, viêm phổi, khi thuyên tắc động mạch phổi cấp mức độ nặng, nguy cơ tử vong có thể lên tới 60% với diễn biến thường rất nhanh trong 1 đến 2 giờ đầu.
Tại Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong những ngày giá lạnh, bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch đến khám và nhập viện cũng gia tăng mạnh.
Bảo vệ người cao tuổi trong thời tiết rét đậm, rét hại
Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm khoa cho hay, thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, lý do là về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.
Tại Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được đưa đến viện cấp cứu trong giờ vàng rất thấp. Năm 2016 chỉ 1,5% bệnh nhân vào viện trong khung giờ vàng được điều trị bằng thuốc. Tỷ lệ này tăng lên 2,5% trong năm 2017 và năm 2018 là 3,5%.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Thắng, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời tiết lạnh làm cho mạch máu co lại, làm tăng kháng trở não gây huyết áp tăng, nguy cơ bị đột quỵ cao.
Vì vậy, người cao tuổi tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột (tránh đang từ phòng ấm ra ngoài lạnh đột ngột) và phải kiểm soát huyết áp thường xuyên, nếu thấy bất thường phải kiểm tra ngay.
Đột quỵ (tắc mạch máu não) phải đến viện vào “thời gian vàng” để được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát, không dùng biện pháp dân gian làm mất đi thời gian vàng chữa bệnh.
Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khi khởi phát, nếu để muộn hơn thì nguy cơ di chứng nặng.
Để phòng tránh và điều trị các bệnh tim mạch, bệnh về đường hô hấp trong mùa lạnh, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Thắng khuyến cáo, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi, phải giữ ấm khu vực cổ và ngực, tránh thay đổi môi trường một cách đột ngột.
Khi tắm cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh; ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng và kiểm soát tốt bệnh nền.
Theo bác sĩ, người cao tuổi có nhiều bệnh nền, nếu bị viêm phổi có thể gây ra biến chứng làm phức tạp thêm tình trạng bệnh. Do đó, khi có các dấu hiệu viêm phổi, tim mạch, tai biến mạch máu não phải đưa người bệnh vào cơ sở y tế gần nhất, không nên chần chừ.
Đối với những bệnh nhân có bệnh động mạch vành, các bác sĩ khuyến cáo nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()