Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:33 (GMT +7)
Giá vàng cuối năm còn chịu nhiều sức ép
Thứ 7, 29/10/2022 | 10:02:37 [GMT +7] A A
Tính từ khi lập đỉnh vào tháng 3/2022 ở ngưỡng khoảng trên 2.000 USD/ounce, giá vàng từ đó đến nay đã giảm ước tính khoảng 11%. Lạm phát tăng vọt khắp nơi trên toàn cầu. Do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới phải tăng lãi suất. Động thái này khiến giá vàng chịu áp lực.
Vàng trồi sụt dưới sức ép từ tỷ giá và lợi suất
Trong phiên giao dịch sáng ngày 27/10, giá vàng giao ngay tăng 0,17% lên mức 1.667,35 USD/ounce lúc 8 giờ 30 (giờ Việt Nam). Giá vàng giao tháng 12 giảm nhẹ 0,02% xuống 1.669,4 USD.
Như vậy, sau khi giảm mạnh về ngưỡng kháng cự 1.650 USD/ounce phiên trước đó, giá vàng đã tăng trở lại giữa đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm tốc độ tăng lãi suất.
Diễn biến này tương đồng với tuần trước, kim loại quý đã có một đợt phục hồi nhẹ, tuy nhiên sau đó thị trường vàng thế giới vẫn giảm do chịu nhiều áp lực bởi đồng USD vẫn neo ở mức cao và lợi suất trái phiếu tăng.
Nhà đầu tư đang dồn sự chú ý vào số liệu GDP của Mỹ và số liệu lạm phát của Mỹ vào ngày 28/10 và thận trọng trước thềm cuộc họp chính sách định kỳ của FED. Dù vậy xu hướng chung vàng còn rủi ro khi suy thoái kinh tế gia tăng. Vàng khó bật tăng mạnh bởi ngân hàng trung ương các nước liên tục tăng lãi suất, dòng tiền rẻ trên thị trường rời khỏi nơi trú ẩn truyền thống là vàng để tìm kiếm USD. Điều này khiến vàng bị bán tháo và quay đầu giảm về dưới 1.700 USD/ounce bất chấp các dự báo lạc quan hồi đầu năm.
Nhà đầu tư đứng ngoài thị trường
Với mức 1.667 USD/ounce, thời điểm này, giá vàng thế giới đã bốc hơi trên 300 USD/ounce, tính từ khi lập đỉnh ở ngưỡng khoảng trên 2.000USD/ounce hồi tháng 3 năm nay. Trong báo cáo mới đây, WGC đã hạ triển vọng thị trường vàng trong cả năm 2022, trong đó nhu cầu tương đối chững lại vào cuối năm. Các nhà đầu tư quyết định đứng ngoài thị trường. Thị trường đã chuyển sang trạng thái “chờ xem”. Nhà đầu tư muốn xem Fed sẽ phát tín hiệu gì, khi mà nền kinh tế gần đây đã có một số dấu hiệu giảm tốc.
Theo các chuyên gia, sự thận trọng của nhà đầu tư có thể hạn chế mức tăng trong tuần tới. “Hiện vẫn đang có quá nhiều bất ổn liên quan đến triển vọng kinh tế toàn cầu cũng như tác động của cuộc chiến tại Ukraine. Ở thời điểm hiện tại, vàng có thể quay trở lại 1.650 USD/ounce trước khi hồi phục trong năm 2023” - theo dự báo mới nhất của Capital Economics.
Theo ông Phillip Streible - chiến lược gia trưởng thị trường tại Blue Line Futures, dù Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất, lạm phát cao có nghĩa lãi suất cuối cùng vẫn khó có thể giảm. Ông giữ quan điểm trung lập với vàng trong thời gian tới bởi lãi suất cao sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng USD (hiện USD vẫn ở gần mức cao nhất 20 năm).
Các dự báo của các tổ chức trước đó cho thấy lãi suất của Fed sẽ tăng lên mức 4,25 - 4,5%/năm vào cuối năm nay và kết thúc năm 2023 ở mức 4,5 - 4,75%/năm nhằm ứng phó với lạm phát Mỹ cao dai dẳng. Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý Phú Thọ Trần Thanh Hải cảnh báo: Hãy thận trọng khi mua vàng thời điểm này vì hoạt động bán tháo vàng đang diễn ra từ nhiều tháng nay trên thị trường quốc tế. Các nhà đầu tư chuyển sang đổ vào nắm giữ USD. Vàng được hỗ trợ mạnh ở ngưỡng 1.650 USD/ounce và mức giảm tiếp theo sẽ là 1.620 USD. Ở chiều ngược lại, nếu giá vàng tăng lên thì sẽ gặp cản đầu tiên là 1.700 USD/ounce, sau đó các mức 1.740 - 1.780 USD/ounce.
Vàng trong nước khó giảm sâu, rủi ro chực chờ
Giá vàng trong nước sáng 27/10 đứng ở mức 66,4 - 67,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch trước đó. Giá bán vàng miếng SJC những ngày gần đây dao động quanh 67 triệu đồng/lượng. So với đầu năm, vàng miếng SJC tăng 5,5 triệu đồng/lượng. Thế nhưng so với mức cao nhất mà kim loại quý đạt được trong năm ở mức 74,4 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC hiện nay đã giảm khoảng 7,4 triệu đồng/lượng, tương ứng mức giảm gần 10%.
Hiện vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank có giá tương đương gần 50 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí), vẫn đắt hơn vàng quốc tế hơn 17 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước rút ngắn khoảng cách chênh lệch so với giá thế giới (trước đó là trên 18 triệu đồng) khi giá USD tăng cao. Chênh lệch giữa giá mua - bán được dãn 1,2 triệu đồng/lượng so với mức 1 triệu đồng ngày trước đó.
Từ nay đến cuối năm, khả năng giá USD trong nước cũng sẽ vẫn tăng. Điều này xảy ra sẽ hỗ trợ vàng củng cố vững giá và có khi tăng thêm. Dù vậy, với mức giá vàng SJC hiện nay ở 67 triệu đồng/lượng, các chuyên gia không khuyến khích người mua nắm giữ kim loại quý. Chưa kể giá mua và bán lẻ chênh lệch 1,2 triệu đồng/lượng, trong khi dân bán sỉ vàng giao dịch với nhau chênh lệch 300.000 - 400.000 đồng/lượng. Như vậy, người dân mua vàng chịu lỗ ngay 1,2 triệu đồng là rủi ro quá lớn.
Đại diện một số DN kinh doanh vàng tại Hà Nội nhận định, giá USD gần đây tăng cao làm cho thị trường vàng càng trở nên ảm đạm. Vàng hiện nay đang mất đi tính hấp dẫn trong đầu tư vì tỷ lệ lợi nhuận rất thấp. Trong khi nhiều thị trường khác như bất động sản, lãi suất tiền gửi và các kênh huy động khác đang thu hút lượng vốn lớn từ người dân, đây là nguy cơ khiến giao dịch càng trầm lắng, vàng trở thành tài sản đầu tư kém hấp dẫn.
Theo Kinh tế Đô thị
Liên kết website
Ý kiến ()