Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:35 (GMT +7)
Giấc mơ xa vời bắt đầu từ hôm nay
Thứ 6, 14/10/2022 | 15:47:29 [GMT +7] A A
Mỗi lần chọn phim Việt dự thi giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới Oscar là Hội đồng quốc gia tuyển chọn lại đau đầu. Đó không phải là một cơn đau đầu dễ chịu vì có nhiều phim hay để chọn lựa, mà đó là một cơn đau đầu thực sự vì so đi tính lại vẫn là “so bó đũa chọn cột cờ”. Biết là thi không ăn giải mà vẫn phải gửi vì còn là cơ hội để quảng bá điện ảnh Việt Nam.
Vì sao chọn “578”?
Năm nay, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ vẫn gửi thư mời Việt Nam gửi phim tham dự Giải thưởng Oscar lần thứ 95 cho thấy họ vẫn nhớ đến ta, dù phim Việt Nam bao năm thường bị loại ngay từ “vòng gửi xe”.
Mỗi nước chỉ được gửi 1 phim tham dự, phim truyện hay tài liệu hoặc hoạt hình ở hạng mục phim quốc tế xuất sắc nhất (trước đây là phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất). Đáng chú ý là danh sách của Hội đồng tuyển chọn quốc gia cần phải gửi đến Viện Hàn lâm. Một phim quốc tế được định nghĩa là 1 phim dài (trên 40 phút) được sản xuất bên ngoài mọi lãnh thổ thuộc Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, bao gồm phần lớn (trên 50%) có lời thoại không phải là tiếng Anh. Phim do một quốc gia chọn phải được công chiếu lần đầu tại quốc gia đăng ký tham dự trong khoảng thời gian từ 1.1.2022 đến trước ngày 30.11.2022, và phải chiếu thương mại ít nhất 7 ngày liên tiếp.
Nhằm tạo thuận lợi để đáp ứng điều kiện chiếu tại rạp, Viện hàn lâm cho phép các phim có thể được chiếu bên ngoài quốc gia sản xuất, miễn là phim được chiếu thương mại tại rạp không phải ở Hoa Kỳ và các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ trong ít nhất 7 ngày liên tiếp và có bán vé.
Những đề cử cho phim quốc tế sẽ được quyết định qua hai vòng bầu chọn. Vòng 1 Hội đồng sơ khảo phim truyện quốc tế sẽ xem tất cả các tác phẩm dự thi đủ điều kiện được tham dự và bỏ phiếu kín để đưa ra danh sách rút gọn còn 15 phim. Vòng 2, Hội đồng đề cử Giải thưởng phim truyện quốc tế sẽ chiếu 15 phim trên và bỏ phiếu kín để chọn ra 5 đề cử cho hạng mục.
Vòng bầu chọn cuối cùng sẽ chỉ dành riêng cho các thành viên đang hoạt động và thành viên suốt đời của Viện Hàn lâm, những người đã xem hết 5 phim được đề cử.
Số lượng phim truyện Việt Nam gửi đến Hội đồng quốc gia tuyển chọn sau khi có thông báo gửi về các đơn vị sản xuất phim, không nhiều và sau chỉ còn 5 phim, tuy nhiên “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lại chưa phát hành thương mại nên không đủ tiêu chí dự thi Oscar. Tác phẩm vừa đoạt Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm nay “Đêm tối rực rỡ” của đạo diễn Aaron Toronto lại không được nhà sản xuất gửi dự thi. Phút chót có 4 phim Việt là “578”, “Dân chơi không sợ con rơi”, “Maika- cô bé đến từ hành tinh khác”, “Em và Trịnh” với các đề tài và cách thể hiện khác nhau, được xét.
“578” (tên tiếng Anh: 578 Magnum) của đạo diễn Lương Đình Dũng, nhà sản xuất: Cty TNHH Sản xuất phim và Truyền thông Tứ Vân, dưới vỏ ngoài của phim hành động võ thuật, đi vào vấn đề xâm hại trẻ em, với sự đầu tư kinh phí “khủng” và mời được ê kíp có tên tuổi của Hàn Quốc chỉ đạo võ thuật. Tuy là phim hành động, nhưng có những cảnh đẹp khá nên thơ của vùng núi Tây Bắc. Thất bại doanh thu trong nước vì nhiều lý do nhưng lại bán được trên thị trường quốc tế và lọt vào một số LHP quốc tế có uy tín, nổi bật là vào vòng cạnh tranh giải “Phim xuất sắc nhất” LHP Tallinn Black Nights lần thứ 26, một LHP hạng A. “Dân chơi không sợ con rơi” (The Playboy and the Loved-Child) – đạo diễn Phạm Huỳnh Đông, Công ty TNHH Giải trí tổng hợp Thu Trang, là phim tâm lý xã hội, đề tài gia đình khi người đàn ông nhận nuôi con của một trong những bạn gái cũ. Bi kịch khi anh biết mình không phải là cha ruột và phát hiện ra đứa bé mắc bệnh hiểm nghèo. “Maika- cô bé đến từ hành tinh khác” (Maika: The girl from another planet) của đạo diễn Hàm Trần, Công ty TNHH Bình Hạnh Đan là một phim thiếu nhi giả tưởng về tình bạn.
Phim “Em và Trịnh” (Em & Trịnh)- đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Cty cổ phần Giải trí và Giáo dục Galaxy, lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật, tái hiện cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo thông tin từ nhà sản xuất, phim thắng lớn về doanh thu đạt mốc 100 tỷ VNĐ, doanh thu cao nhất phim Việt năm 2022 tính đến thời điểm đó.
Tiêu chí đưa ra là phim phải thuần Việt 100%, có giá trị nhân văn, góp phần quảng bá được con người và đất nước Việt Nam. So đi tính lại, phim được mặt này lại mất mặt kia, chưa có phim nào thực sự toàn diện, đáp ứng trọn vẹn mong muốn của Hội đồng. Xác định rõ là khả năng thắng giải là số phần trăm ít ỏi, nhưng để khích lệ, động viên điện ảnh trong nước, cuối cùng “so bó đũa chọn cột cờ”, thì “578” được chọn. Đây là lần thứ hai, đạo diễn Lương Đình Dũng có phim được chọn đi tranh giải Oscar, trước đó là phim “Cha cõng con” của anh.
Đi dự Oscar để làm gì?
Có người cực đoan đặt câu hỏi như vậy khi những năm gần đây, phim Việt gửi đi dự thi Oscar hàng năm đều tay trắng, không lọt được vào danh sách rút gọn.
Nhưng biết là khó, vẫn nên gửi đi vì đây là cơ hội để quảng bá và giới thiệu phim Việt cũng là đại diện cho nền điện ảnh Việt đến các thành viên của Viện Hàn Lâm điện ảnh Hoa Kỳ. Không có lần đầu, không thể có lần sau. Kiên trì gửi phim dự Oscar dù không có giải vẫn là một cách để nhắc họ rằng điện ảnh Việt vẫn luôn hiện diện trên bản đồ điện ảnh thế giới. Hơn nữa có thể phim Việt không giành giải nhưng lại được một số thành viên nào đó của Viện Hàn lâm chú ý và giới thiệu cho một số LHP quốc tế uy tín phù hợp khác.
Ở các giải danh giá như Oscar hay các LHP nổi tiếng như Cannes, Venice… thường những đạo diễn châu Á đoạt giải đều là những vị khách quen thuộc, rất hiếm khi một người lạ được chú ý, trừ phi đó là tài năng đặc biệt như câu chuyện về nữ đạo diễn Iran làm phim đầu tay nhận giải cao nhất tại một LHP danh giá năm nào.
Với đạo diễn Việt, có phim đi dự thi Oscar là niềm tự hào với đồng nghiệp và hơn thế nó làm CV (lý lịch nghệ thuật) của họ được sáng giá thêm. Chưa kể với những phim thương mại đang được rao bán trên thị trường quốc tế, đạo diễn đó có thể đẩy giá lên vì thương hiệu cá nhân.
Bao giờ mở được cánh cửa mơ ước?
Giải Oscar nói chung không cực đoan như giải của LHP Cannes - khi phim thắng giải có thể rất kén công chúng thậm chí không có khách, miễn là sáng tạo độc bản, khai thác ngôn ngữ điện ảnh theo một cách thức mới mẻ, độc đáo, kể cả gây “sốc” cho khán giả. Oscar dung hòa giữa giá trị nghệ thuật và giá trị thương mại, nó cân bằng hơn, dễ xem hơn nhưng cũng luôn tôn vinh sáng tạo ở mức cao nhất. Tuy nhiên, có năm, mà giải phim quốc tế xuất sắc nhất ở Oscar lại trùng với giải phim Cành cọ vàng ở Cannes như trường hợp của “Amour” tác phẩm xuất sắc của đạo diễn người Áo Michael Haneke.
Trong thời đại 4.0 ngày nay, khi phim chiếu trên mạng bùng nổ, điển hình như Netflix với các phim truyền hình nhiều tập được đầu tư kinh phí khủng như phim điện ảnh với kỹ xảo thượng thừa và các ngôi sao hạng A, khi mà mỗi tập phim không chỉ là một câu chuyện, một vài tuyến nhân vật mà là nhiều câu chuyện, nhiều tuyến nhân vật chạy song song thì một phim truyện điện ảnh chỉ gói gọn trong 90-150 phút mà hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh mẽ là điều rất khó.
Dòng phim không quốc tịch với hàm ý chỉ mượn bối cảnh của một vùng đất cụ thể còn thông điệp mang tính toàn cầu có vẻ như không còn hiệu quả nữa. Để có cơ hội được các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ lựa chọn, chắc chắn đó phải là một bộ phim mang dấu ấn văn hóa bản địa của quốc gia đó đậm đặc, kể một câu chuyện chạm tới cảm xúc của người xem không phân biệt quốc gia, giai tầng xã hội bằng một ngôn ngữ điện ảnh riêng biệt mang dấu vân tay của cá nhân.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()