Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 17:29 (GMT +7)
Giải mã ‘cơn khát’ dầu Nga của Ấn Độ
Chủ nhật, 02/04/2023 | 22:57:56 [GMT +7] A A
Ấn Độ đang rầm rộ thu mua dầu thô giá rẻ từ Nga về tinh chế rồi tái xuất khẩu và trở thành nhà cung cấp chính cho châu Âu.
Hãng thông tấn AFP đưa tin New Delhi đã chống lại sức ép từ phương Tây trong việc cô lập ngành xuất khẩu chủ lực của Moskva, thay vào đó là tăng cường quan hệ thương mại với đồng minh lâu năm này, đồng thời tạo nên những lợi ích từ việc mua dầu giá rẻ trong bối cảnh lạm phát.
Ấn Độ mua bao nhiêu dầu của Nga?
Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Lượng dầu nhập khẩu chiếm đến 85% nhu cầu tiêu thụ của nước này.
Trước đây các nhà cung cấp chính của Ấn Độ là ở Trung Đông. Hiện tại, Nga là nhà cung cấp số 1.
Sau khi Nga bị phương Tây trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành những khách hàng mua dầu mỏ hàng đầu của họ.
Tháng 3, Ấn Độ đã nhập khẩu từ Nga 1,62 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 40% tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), con số này tăng mạnh từ khoảng 70.000 thùng/ngày tại thời điểm trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Ngày 29/3, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Rosneft đã công bố thỏa thuận tăng đáng kể nguồn cung cho Công ty Dầu khí Ấn Độ sau khi Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin đến Ấn Độ.
Mua dầu của Nga có giúp tiết kiệm chi phí không?
Tháng 12/2022, một thành viên Quốc hội Ấn Độ cho biết New Delhi đã tiết kiệm được 3,6 tỷ USD bằng cách nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ Nga trong 10 tháng sau khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ.
Số tiền tiết kiệm được có thể đã tăng nhiều hơn nữa. Các công ty theo dõi thị trường năng lượng báo cáo rằng Ấn Độ đang mua dầu thô Urals của Nga dưới mức giá trần 60 USD/thùng do Nhóm Các nền công nghiệp phát triển (G7) đưa ra vào tháng 12 năm ngoái.
"Là nước tiêu thụ dầu khí lớn thứ ba thế giới, một khách hàng có mức thu nhập không cao, nghĩa vụ cơ bản của chúng tôi là đảm bảo rằng Ấn Độ có quyền tiếp cận tốt nhất có thể với các điều khoản có lợi nhất cho thị trường quốc tế", Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar phát triển tại Moskva hồi cuối năm ngoái.
Điều gì xảy ra với dầu Nga tại Ấn Độ?
Ấn Độ có 23 nhà máy lọc dầu với công suất 249 triệu tấn mỗi năm, là nước lọc dầu lớn thứ tư thế giới.
Tập đoàn Reliance Industries của người giàu nhất châu Á Mukesh Ambani là bên điều hành nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới tại Gujarat.
Cùng với nhà máy lọc dầu lớn thứ hai của Ấn Độ là Nayara, Reliance đã nhập khẩu 45% lượng dầu thô của Nga vào Ấn Độ, theo dữ liệu từ công ty theo dõi hàng hóa Vortexa.
Dầu Nga quay trở lại phương Tây?
Phần lớn sản phẩm dầu tinh chế được bán cho người tiêu dùng Ấn Độ.
Nhưng nhờ thặng dư, Ấn Độ đã nổi lên như một nhà cung cấp xăng và dầu diesel lớn cho châu Âu và những khu vực khác.
Xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của Ấn Độ sang Liên minh châu Âu (EU) đã tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 11,6 triệu tấn. Tờ Indian Express cho biết thêm rằng các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đang được hưởng lợi nhuận cao.
Điều này có vi phạm lệnh cấm không?
Bất chấp các lệnh trừng phạt chống lại Moskva, điều này không vi phạm các quy tắc của EU vì các sản phẩm tinh chế đó không được coi là đến từ Nga.
Nguồn nhiên liệu này cũng giúp "lục địa già" tránh được rắc rối về nguồn cung, vốn sẽ đẩy giá cả lên cao và đè nặng lên những người tiêu dùng vốn đang quay cuồng vì lạm phát phi mã.
Nhà kinh tế trưởng David Wech tại công ty theo dõi thị trường năng lượng Vortexa nói với AFP: "Thế giới sẽ rất khó sống nếu không có dầu mỏ của Nga", đồng thời cho rằng việc loại bỏ hoàn toàn Moska sẽ gây suy thoái sâu sắc.
Theo một báo cáo của Bloomberg được công bố vào tháng 2, Ấn Độ sẽ giữ vai trò trung tâm hơn trong bản đồ dầu mỏ toàn cầu, vốn đã được vẽ lại bởi cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua ở Ukraine
Mặc dù đã chuyển hướng được dòng chảy từ châu Âu sang Ấn Độ và những khu vực khác, doanh thu từ ngành xuất khẩu dầu của Nga vẫn ít hơn so với trước khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine - một phần là do nguồn chi phí vượt trội cũng những khó khăn như mua bảo hiểm để vận chuyển dầu thô của họ đi nửa vòng trái đất.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()