Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:24 (GMT +7)
Giải pháp nâng chất lượng dạy và học ngoại ngữ
Thứ 2, 20/12/2021 | 14:25:27 [GMT +7] A A
Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, địa phương và chủ động của ngành Giáo dục, việc dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, trên 97% giáo viên tiếng Anh của tỉnh đã đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ; hầu hết các trường đảm bảo điều kiện tối thiểu để dạy và học ngoại ngữ.
Tuy nhiên, những kết quả tích cực về dạy và học ngoại ngữ mới chỉ tập trung chủ yếu ở trường chuyên và một số trường khu vực trung tâm thành phố, thị xã. Kết quả đại trà môn ngoại ngữ trên địa bàn toàn tỉnh còn thấp so với nhiều môn học khác và với tỉnh, thành phố trên cả nước.
Chênh lệch kết quả học tập và khảo thí môn ngoại ngữ của học sinh giữa các vùng miền, giữa học sinh học tại các trường công lập và trường tư thục còn khá lớn, khiến kết quả chung toàn tỉnh chưa cao.
Việc triển khai dạy ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh còn ít, trong đó dạy tiếng Trung Quốc tập trung chủ yếu ở khu vực TP Móng Cái và Trường THPT Chuyên Hạ Long. Tiếng Pháp chủ yếu dạy ở Trường Tiểu học Hữu Nghị và Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long). Phần đông học sinh học hết chương trình phổ thông nhưng chưa tự tin trong việc sử dụng ngoại ngữ trong cuộc sống...
Ông Trịnh Đình Hải, Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT, cho biết: Tại các trường THCS, THPT cơ bản có đủ số giáo viên dạy tiếng Anh, đảm bảo dạy và học tiếng Anh theo quy định chương trình của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, với cấp tiểu học, trước đây tiếng Anh là môn học tự chọn nên không có biên chế giáo viên ngoại ngữ, các trường chủ động bố trí, sắp xếp số tiết dạy mỗi lớp (1-4 tiết/tuần) dựa trên số giáo viên ngoại ngữ của đơn vị. Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm 2022, tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 với 4 tiết/tuần, do vậy đội ngũ giáo viên tiếng Anh cần phải được bổ sung để đảm bảo triển khai theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Nhận diện rõ những hạn chế đó, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025”. Qua đó, hướng đến quá trình đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Theo dự thảo Đề án này, trung bình các năm duy trì từ 60-70% số học sinh của tỉnh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn ngoại ngữ đoạt giải. Năm 2022, tỉnh phấn đấu có đủ giáo viên ngoại ngữ để triển khai dạy tiếng Anh là môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3, là môn tự chọn đối với lớp 1, 2.
Đến năm 2025, phấn đấu điểm thi trung bình môn ngoại ngữ vào lớp 10 trên toàn tỉnh đạt trên 5,5 điểm. Điểm trung bình thi môn tiếng Anh của học sinh lớp 12 Quảng Ninh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng 10 bậc so với năm 2020.
Để đạt mục tiêu đó, nhiều nhóm giải pháp được ngành Giáo dục xây dựng, trọng tâm là: Xây dựng, ban hành, triển khai tài liệu dạy và học ngoại ngữ phù hợp với điều kiện đặc thù, phù hợp vùng miền, phù hợp với từng trường phổ thông; triển khai hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếp cận chuẩn quốc tế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ, từng bước thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và kiểm tra đánh giá ngoại ngữ…
Đề án hoàn thiện, được UBND tỉnh phê duyệt sẽ thực hiện tốt mục tiêu đẩy mạnh dạy các môn học tự nhiên bằng tiếng Anh ở các trường đủ điều kiện; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cạnh tranh với các nước trong khu vực, đưa Quảng Ninh sớm trở thành địa phương có nguồn nhân lực giỏi ngoại ngữ trong tốp đầu của cả nước.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()