Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:28 (GMT +7)
Giải pháp thiết thực giảm nghèo ở Đầm Hà
Thứ 3, 16/03/2021 | 06:15:23 [GMT +7] A A
Với những giải pháp đa dạng, công tác giảm nghèo ở huyện Đầm Hà trong những năm qua đã thu được những kết quả quan trọng, trực tiếp tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Cán bộ LĐ-TB&XH huyện Đầm Hà và xã Quảng Tân nắm tình hình thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản tại thôn Tân Đông, xã Quảng Tân. |
Nổi bật trong các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững mà huyện Đầm Hà triển khai thời gian qua phải nói tới việc triển khai các mô hình kinh tế, khuyến khích người dân tham gia với phương châm “trao cần câu chứ không trao con cá”. Qua đó, các hộ chủ động nắm vững được tư liệu sản xuất, quyết tâm lao động, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện này, chúng tôi đến thăm gia đình chị Đinh Thị Tòng ở thôn Tân Đông, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà. Vốn là một hộ nghèo nhiều năm loay hoay không tìm được hướng vươn lên, phải đến năm 2017, chị được chính quyền hỗ trợ một con bò giống theo Chương trình 135. Nhờ chịu khó chăm sóc và áp dụng chăn nuôi theo đúng hướng dẫn kĩ thuật, năm 2020, đàn bò của gia đình đã sinh trưởng lên 4 con. Việc bán bò đã giúp gia đình chị xây được căn bếp mới và mua được một chiếc xe máy. Con bò giống lại đang mang thai khoảng 6 tháng, đó sẽ là một niềm vui mới lại sắp đến với gia đình chị Tòng.
Được biết từ năm 2017 đến 2019, xã Quảng Tân đã hỗ trợ cho 48 hộ nghèo phát triển mô hình nuôi bò từ nguồn vốn chương trình 135 và của Sở LĐ-TB&XH tỉnh. Tính đến nay, trên địa bàn xã còn 4 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo. Cách làm trên không chỉ thực hiện ở xã Quảng Tân mà được triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn huyện. Không chỉ dừng lại ở việc thực hiện tốt chương trình vay vốn giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, huyện Đầm Hà còn quan tâm giới thiệu việc làm cho những đối tượng có nhu cầu trên địa bàn.
Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm được huyện Đầm Hà duy trì thường niên. (Trong ảnh: Ngày hội được tổ chức tháng 7/2020). |
Theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP (ngày 27/1/2021) của Chính phủ, các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 gồm: + Tiêu chí thu nhập: Khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng. + Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản: - 6 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. - 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin. + Dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt. |
Song song với đó, hằng năm, trên địa bàn huyện nhiều phiên giới thiệu việc làm cho những lao động địa phương được tổ chức, là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền - doanh nghiệp - người dân. Trong giai đoạn 2016-2020, Trung tâm Giới thiệu việc làm huyện Đầm Hà đã tổ chức gần 30 phiên giao dịch tại thị trấn và các xã, qua đó đã giới thiệu cho 500 lao động trong các hộ nghèo, cận nghèo làm việc tại các công ty, khu công nghiệp với mức thu nhập ổn định.
Anh Chìu A Nhì ở bản Lý Sáy Chảy, xã Quảng Lâm, trước đây cũng là một trong những hộ “nghèo nhất nhì” ở xã vùng cao này. Tuy nhiên, nhờ được tư vấn, hỗ trợ kịp thời để tham gia giới thiệu việc làm, năm 2019, anh đã được tuyển dụng vào làm ở Khu Công nghiệp Cảng biển Hải Hà với thu nhập 7 triệu đồng/tháng.
Anh chia sẻ, công việc này giúp anh có thêm tính kỷ luật và thu nhập ổn định, kể cả khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề như vừa qua. Cũng chính anh lại tiếp tục là người vận động người thân, bạn bè gần nhà cùng đi làm để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hầu hết họ đều đã yên tâm, gắn bó với công ty, giúp gia đình chính mình thoát hẳn khỏi diện nghèo.
Năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm... nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân, hộ nghèo của huyện giảm từ 49 hộ xuống còn 15 hộ. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 326 hộ giảm xuống còn 174 hộ. Năm 2021, Đầm Hà phấn đấu giảm từ 9 hộ nghèo trở lên, cơ bản không còn hộ nghèo; phấn đấu giảm 80 hộ cận nghèo trở lên và tuyệt đối không để tái nghèo, tái cận nghèo, hoặc phát sinh nghèo mới.
Nguyễn Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()