Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:45 (GMT +7)
Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế hạng sang
Thứ 4, 22/03/2023 | 15:25:29 [GMT +7] A A
So với một số quốc gia trong khu vực ASEAN, Việt Nam không chỉ thua sút về số lượng du khách quốc tế đến, mà còn kém xa cả về mức chi tiêu bình quân tính trên đầu du khách.
Điều này đòi hỏi ngành du lịch phải có những giải pháp đột phá để có nhiều sản phẩm du lịch đạt “đẳng cấp” với giá cả phù hợp để vừa bảo đảm tăng trưởng số lượng du khách, vừa thu hút được dòng khách quốc tế hạng sang-có mức chi tiêu cao đến với Việt Nam.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) tại thời điểm trước dịch Covid-19, chi tiêu bình quân của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam là 930 USD/người. Con số này rất thấp nếu so với chi tiêu tương ứng tại Indonesia (1.225 USD); Philippines (1.252 USD) và nhất là Thái Lan (1.695 USD)…
Điều này cho thấy, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong thu hút du khách quốc tế có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nước ta chưa có những sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn có thể “buộc” du khách quốc tế hạng sang phải “rút hầu bao”!
Chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2023 vừa diễn ra với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi-Tăng tốc phát triển” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn nhận định: Sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện nay chưa bắt kịp xu thế thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hóa.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) tại thời điểm trước dịch Covid-19, chi tiêu bình quân của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam là 930 USD/người. Con số này rất thấp nếu so với chi tiêu tương ứng tại Indonesia (1.225 USD); Philippines (1.252 USD) và nhất là Thái Lan (1.695 USD)…
“Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm; chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có sẵn mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần..., vì vậy ít nhiều thiếu sức thu hút du khách quốc tế”-Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, hiệu quả cụ thể trong liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp; nhiều hoạt động liên kết vẫn hình thức, dẫn đến sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng, hấp dẫn đối với khách du lịch trong bối cảnh mới sau khi cơ bản khống chế dịch Covid-19.
Tìm kiếm giải pháp để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Vũ Thế Bình cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ phát triển cho một số sản phẩm du lịch mới, có khả năng thu hút du khách quốc tế hạng sang như du lịch golf chẳng hạn. Theo ông Bình, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam chơi golf ngày càng tăng. Năm 2019, trong số 5 triệu du khách Hàn Quốc đến Việt Nam, thì có tới hơn 1 triệu khách đến để chơi golf.
“Với lượng du khách ấy, có thể có doanh thu du lịch cỡ 2 tỷ đến 3 tỷ USD. Các nước chung quanh đều phát triển sân golf để thu hút du khách hạng sang có chi tiêu cao, vì thế Hiệp hội kiến nghị Chính phủ áp dụng chính sách miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những người chơi golf là du khách quốc tế (từ 20% xuống 10% hoặc 5%) để nâng cao khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. 20 năm trước, chúng ta coi chơi golf là xa xỉ cho nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng hiện giờ thì đối tượng hầu hết là khách du lịch”- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất.
Theo Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, Võ Anh Tài, du lịch tàu biển cũng là loại hình Việt Nam cần chú trọng thời gian tới để thu hút du khách quốc tế hạng sang. Ông Tài cho biết, riêng trong tháng 3/2023, Saigontourist đón 8 chuyến tàu biển du lịch quốc tế cao cấp với 19 lượt tàu cập cảng (tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa-VũngTàu, Thành phố Hồ Chí Minh) với hơn 23.000 lượt khách. Trong năm 2023, hãng lữ hành này dự kiến sẽ đón 30 chuyến tàu với 72 lượt tàu cập cảng và hơn 170.000 lượt khách quốc tế.
Trong tình hình du khách quốc tế được khơi thông, số chuyến tàu cũng như số khách du lịch tàu biển cao cấp sẽ còn tiếp tục gia tăng. “Đây là thị trường khách giàu tiềm năng, có khả năng chi tiêu cao, số lượng khách đông trên mỗi chuyến tàu”-Phó Tổng Giám đốc Saigontourist khẳng định. Bên cạnh đó, để hút dòng khách quốc tế cao cấp, ông Võ Anh Tài cũng đề xuất cần có chính sách tăng cường khai thác đối tượng khách du lịch đến Việt Nam thông qua các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế đầu tư, hội chợ, hội nghị, các sự kiện thể thao và văn hóa mang tầm quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức…
Nhằm kích thích khả năng chi tiêu của du khách quốc tế hạng sang, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất một số mô hình sản phẩm giàu tiềm năng, trong đó có du lịch sức khỏe chữa trị y tế. “Đây là loại hình du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh và mang lại doanh thu cao nhất trong các loại hình du lịch”-ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cũng đề xuất cần đầu tư phát triển mô hình trung tâm mua sắm miễn thuế (outlet) để phát triển du lịch mua sắm tại Việt Nam. Theo ông, đây là sự bổ sung cần thiết để ngành du lịch Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Mô hình này tại Việt Nam hiện chưa phát huy hết tiềm năng, mới chỉ tập trung ở các sân bay. Sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng tại các cửa hàng miễn thuế không chỉ thu hút du khách mà còn tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và các thương hiệu của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới.
Hệ thống các cửa hàng miễn thuế sẽ giúp giải bài toán cho các công ty lữ hành có thể cạnh tranh giá tua vì họ được bù trừ tiền bằng tiền doanh thu hoa hồng khi công ty kinh doanh miễn thuế chi cho du khách mua sắm tại đây”-ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Từ phân tích của các chuyên gia, có thể thấy, bên cạnh các sản phẩm du lịch di sản, văn hóa (vốn là thế mạnh của du lịch Việt Nam), thì du lịch golf, du lịch tàu biển, du lịch sức khỏe, mua sắm, giải trí… là những loại hình mới giàu tiềm năng thu hút du khách quốc tế hạng sang.
Ông cũng đề xuất cần phát triển mô hình dịch vụ vui chơi giải trí trên cơ sở lựa chọn nhà đầu tư có năng lực hợp tác với các tổ chức quốc tế để phát triển các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, casino, các công viên giải trí mà thương hiệu được nhận diện trên toàn thế giới nhằm thu hút nguồn khách quốc tế lớn, tương tự như cách mà Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... đang làm.
Từ phân tích của các chuyên gia, có thể thấy, bên cạnh các sản phẩm du lịch di sản, văn hóa (vốn là thế mạnh của du lịch Việt Nam), thì du lịch golf, du lịch tàu biển, du lịch sức khỏe, mua sắm, giải trí… là những loại hình mới giàu tiềm năng thu hút du khách quốc tế hạng sang.
Tuy nhiên, muốn du khách biết đến và quyết định tới Việt Nam trải nghiệm những sản phẩm này, yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là phải tiếp cận được thông tin. Bởi vậy, song song với phát triển sản phẩm, thì giải pháp quan trọng không kém là định vị thị trường khách hạng sang để có chiến lược xúc tiến, quảng bá phù hợp.
Trao đổi tại Tọa đàm “Chuyển động kinh tế” do Báo Sài Gòn Đầu tư tài chính tổ chức, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company-Công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu chuyên sâu về du lịch-khách sạn, cho biết: Khách du lịch ở phân khúc cao cấp-hạng sang là những người sẵn sàng mở hầu bao để có được những sản phẩm, dịch vụ mà mình ưng ý.
Tất nhiên, khách đến từ những thị trường khác nhau sẽ có những nhu cầu, sở thích khác nhau trong tìm kiếm trải nghiệm du lịch. Vì vậy, muốn đón được những dòng khách này, cần có sự đầu tư cho nghiên cứu thị trường, nắm bắt hành vi tiêu dùng-mong muốn của những dòng khách cao cấp ở từng thị trường để có chiến lược truyền thông, xây dựng và định vị hình ảnh phù hợp.
Liên quan công tác xúc tiến, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, Võ Anh Tài cho rằng, cần tiếp tục tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài trong truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia.
“Du lịch quốc tế là một ngành kinh tế đối ngoại, một ngành xuất khẩu tại chỗ quan trọng mang lại nguồn ngoại tệ lớn và tạo việc làm cho hàng triệu lao động, do đó cần được quan tâm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thông qua các hoạt động đối ngoại của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài; điều đó cũng nằm trong nhiệm vụ đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển đất nước mà Đảng, Nhà nước đã xác định”-ông Võ Anh Tài nhấn mạnh.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()