Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 01:29 (GMT +7)
Giải quyết khó khăn cho người trồng rừng sau bão
Thứ 2, 07/10/2024 | 07:40:33 [GMT +7] A A
Bão số 3 đi qua, người trồng rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xót xa bởi sự tàn phá của thiên nhiên đã kéo theo cả cơ nghiệp bao năm lao động của gia đình. Xây dựng cơ chế, chính sách để khôi phục sản xuất lâm nghiệp là một trong những vấn đề cấp thiết mà tỉnh Quảng Ninh đang quan tâm thực hiện.
Sớm đưa các chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), cơn bão số 3 đã gây thiệt hại về rừng với diện tích khoảng 170.000ha (diện tích này chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt). Trong đó, Quảng Ninh là địa phương thiệt hại nặng nề nhất với gần 120.000ha. Ước thiệt hại về lĩnh vực lâm nghiệp trên 6.400 tỷ đồng với tổng số hộ gia đình bị thiệt hại lên tới trên 22.000 hộ, gồm các gia đình được giao đất, giao rừng và các hộ được giao khoán trồng rừng của các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Anh Lý Văn Thắng (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 8ha keo, cơn bão số 3 đã khiến diện tích rừng keo gần như mất trắng. Không chỉ riêng tôi mà các hộ dân trong xã cũng đều bị thiệt hại, hộ ít thì thiệt hại 1-2ha, mất vài chục triệu đồng, hộ nhiều thì hàng chục ha, mất cả chục tỷ đồng. Không những thế, giá keo thu mua đang giảm theo từng ngày, từng giờ. Hiện tại, chúng tôi tận thu những cây keo trên 4- 5 tuổi bị gãy, đổ cũng chỉ đủ trả chi phí thuê nhân công, vận chuyển, dọn VSMT phòng chống cháy rừng… Để trồng lại những cánh rừng mới, thực sự là rất khó khăn.
Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng rừng, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra còn ảnh hưởng tới những người làm nghề rừng, giảm tỷ lệ che phủ rừng, sản xuất giống, trồng rừng cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Bông, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để khắc phục thiệt hại, hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, Chi cục đã và đang triển khai một loạt các giải pháp cấp bách liên quan đến công tác thống kê, đánh giá, lập hồ sơ theo các cơ chế hỗ trợ của Trung ương và tỉnh.
Theo đó, để các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được hưởng hỗ trợ tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/1/2027 và Quyết định 1568/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã hướng dẫn các địa phương cách thống kê, đánh giá lại tất cả diện tích rừng bị thiệt hại trên 30% trở lên.
Đồng thời dựa vào dự thảo Nghị định quy định về thanh lý rừng trồng của Bộ NN&PTNT để hướng dẫn các chủ rừng lập hồ sơ và xác định thiệt hại đối với diện tích rừng trồng từ nguồn ngân sách nhà nước, rừng trồng thay thế. Như vậy, với những rừng trồng của hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại trên 70% thì sẽ được hỗ trợ 4 triệu/ha; rừng bị thiệt hại từ 30-70% thì được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Đến nay, UBND các địa phương đang tích cực tổ chức thực hiện công tác kiểm đếm, lập hồ sơ hỗ trợ. Dự kiến kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP là trên 233 tỷ đồng.
Cùng với cơ chế hỗ trợ của Trung ương, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã giao cho các Hạt Kiểm lâm chủ động phối hợp UBND các xã để tuyên truyền, hướng dẫn từng người dân trồng rừng gỗ lớn có giao đất, giao rừng theo Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND ngày 10/7/2024 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để thực hiện thống kê thiệt hại và lập hồ sơ hỗ trợ. Với những hộ dân có diện tích trồng rừng gỗ lớn từ 3ha trở lên sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha và 400.000 đồng/ha để thuê đơn vị tư vấn vào lập hồ sơ.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã có văn bản báo cáo Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ người trồng rừng khắc phục thiệt hại sau bão số 3 từ nguồn vốn của MTTQ tỉnh. Cụ thể sẽ hỗ trợ dọn VSMT rừng đối với diện tích rừng bị thiệt hại trên 30% là 1 triệu đồng/ha. Dự kiến kinh phí hỗ trợ đợt 1 trên 77,5 tỷ đồng.
30 ngày đêm dọn dẹp, tận thu rừng
Dọc theo tỉnh lộ 234, QL 279, QL18 kéo dài từ Hạ Long đi Vân Đồn, lên tới vùng sơn cước Hoành Bồ, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu là cảnh hoang tàn của những cánh rừng chết mòn sau siêu bão Yagi. Thống kê trong khoảng 120.000ha rừng bị thiệt hại thì có tới gần 78.000ha là rừng của các hộ gia đình, cá nhân. Thực tế, ở tất cả các địa phương có rừng trong toàn tỉnh, công tác thống kê thiệt hại, lập hồ sơ hỗ trợ, tận thu rừng sau bão đang được chính quyền các địa phương và người dân tích cực thực hiện. Tuy nhiên công tác khắc phục đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là công tác thống kê thiệt hại, kiểm đếm, lập hồ sơ là thiếu nhân lực, phương tiện và nhiều thủ tục khá phức tạp.
Theo quy định của Bộ NN&PTNT, với mỗi ha rừng sẽ phải khoanh một ô tiêu chuẩn (khoảng 100m2) và để tiến hành đo GPRS, kèm theo đó sẽ phải có cán bộ địa chính của các xã, phường đi cùng, trung bình thao tác kiểm đếm thiệt hại cho 1ha rừng sẽ mất khoảng 30-60 phút, chưa tính thời gian di chuyển đến địa điểm để đo đạc và những ngày thời tiết xấu. Với cách thức này, nhiều địa phương tính toán trung bình 1.000ha rừng thiệt hại thì sẽ mất hàng tháng mới kiểm đếm, lập hồ sơ xong. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tận thu rừng của người dân vì càng để lâu, gỗ càng khô và nguy cơ cháy rừng càng lớn. Đơn cử như tại TP Hạ Long, đến hết ngày 4/10, địa phương này mới thực hiện kiểm đếm, lập hồ sơ xong cho 700/18.000ha rừng của các hộ gia đình, cá nhân.
Ông Vũ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm (TP Hạ Long) cho biết: Trước tình hình cấp bách này, để xác nhận ô tiêu chuẩn cần có những giải pháp linh hoạt như có thể dùng phương pháp trực quan và ghi nhận hình ảnh để đẩy nhanh quá trình thống kê, kiểm đếm, lập hồ sơ, tạo điều kiện cho các hộ dân sớm được tận thu rừng.
Ngoài khó khăn trong công tác kiểm đếm, lập hồ sơ, việc thiếu nhân lực, phương tiện để thu gom cây rừng gãy đổ cũng đang khiến nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh lao đao. Hiện nhiều cánh rừng sau bão không có đường lên vì những cung đường vận chuyển hầu hết bị sạt trượt, hỏng hóc, cây gãy đổ chặn lối đi. Trong khi đó, giá thu mua keo lại giảm theo từng ngày vì hiện chất lượng gỗ chưa đạt tiêu chuẩn như các rừng keo 6-7 năm tuổi và các đơn vị thu mua cũng thiếu khu vực tập kết do các xưởng chế biến quá tải, thậm chí một số xưởng cũng bị thiệt hại về nhà xưởng, máy móc, chưa thể đi vào vận hành… Tất cả đang cộng dồn lại, đè hết lên vai những người trồng rừng.
Nắm bắt kịp thời các khó khăn của người dân, bên cạnh việc triển khai các chính sách, cơ chế hỗ trợ, ngày 1/10 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2832/UBND-KTTC để phát động đợt cao điểm 30 ngày đêm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại. Triển khai chiến dịch, các lực lượng chức năng, UBND các địa phương cũng đang chủ động huy động lực lượng, phương tiện ra quân hỗ trợ các chủ rừng thu dọn, vệ sinh rừng, lưu thông tuyến đường vận xuất, tận thu lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại, quyết tâm hoàn thành công việc trước ngày 31/10/2024. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương làm việc với các cơ sở tiêu thụ thu mua gỗ tận thu của bà con ổn định về giá, rà soát nguồn cung cấp giống để đảm bảo trồng lại rừng ngay sau khi người dân tận thu xong. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã ban hành kế hoạch phát động, có phân công rõ việc, rõ nhiệm vụ cho từng đơn vị.
Ông Lê Văn Thắng, Phó phòng Kinh tế (TP Hạ Long) cho biết: Hiện thành phố đã ban hành kế hoạch, yêu cầu các lực lượng vũ trang phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, Hạt Kiểm lâm thành phố chức huy động lực lượng để tham gia hỗ trợ, giúp các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tổ chức dọn vệ sinh, khai thác tận thu cây rừng bị gãy đổ do bão số 3 gây ra. Thời gian bắt đầu thực hiện từ ngày 7/10/2024 với quân số huy động để hỗ trợ tối thiểu là 150 người.
Như vậy trong bối cảnh các hộ gia đình thiếu nhân lực, phương tiện, việc tỉnh phát động triển khai chiến dịch sẽ giúp người dân trồng rừng có thêm một nguồn lực hỗ trợ rất thiết thực. Ông Lý Văn Ba (thôn Trường Tùng, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) chia sẻ: Những ngày này, giá nhân công cắt dọn rừng rất cao, trung bình 350.000 đồng/ngày công, để dọn xong 1ha rừng thông thường sẽ phải thuê khoảng 10 nhân công để làm liên tục trong 2 ngày, số tiền lên tới 7 triệu đồng/ha, giá cao là vậy nhưng để thuê người cũng rất khó. Trong khi đó, giá bán gỗ trước bão là 1.000-1.100 đồng/kg thì giờ tận thu chỉ được 750-800 đồng/kg. Rừng càng xa, đường càng khó đi thì chi phí cho vận chuyển càng lớn, vì vậy chúng tôi đang tập trung tận thu ở những khu vực gần đường. Đặc biệt, với cây keo, trời nắng, cây bị gãy nên sẽ nhanh bị khô, không thể bóc vỏ, trong khi thời gian thu mua kéo dài, làm giảm giá trị gỗ… Những ngày tới, khi huyện và xã huy động thêm lực lượng giúp dân thật sự là hành động rất có ý nghĩa đối với những người trồng rừng ở thời điểm này.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()