Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:35 (GMT +7)
Giải toả vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp: Khó vẫn cứ... khó
Thứ 7, 16/08/2014 | 11:09:43 [GMT +7] A A
Những năm qua tại Quảng Ninh, công tác bảo đảm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) luôn là vấn đề cấp bách của ngành Điện. Tuy nhiên, việc giải toả các điểm vi phạm lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố như: Kinh phí để di chuyển đường điện, xây dựng tuyến mới; nhận thức của người dân; sự phối hợp của chính quyền địa phương...
Kiểm tra thiết bị trước khi đưa vào vận hành để thực hiện dự án chuyển lưới điện từ 6kV lên 22kV tại khu vực nội thị Uông Bí. |
Theo thống kê mới nhất của Công ty Điện lực Quảng Ninh, tính đến hết quý II-2014, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn 607 điểm vi phạm HLATLĐCA, thuộc các cấp điện áp 35kV, 22kV, 10kV, 6kV. Nếu so sánh với năm 2013, số điểm vi phạm mới đã giảm được 64 điểm. Thế nhưng nếu so sánh với kế hoạch năm 2014, Công ty giao cho các điện lực địa phương phải giảm được 349 điểm thì số điểm vi phạm đã giảm vẫn còn rất thấp (mới đạt 18,3% so với kế hoạch năm). Trong đó có những địa phương không giảm được điểm vi phạm nào như: Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ, Móng Cái, Hải Hà, Bãi Cháy. Đáng chú ý là qua theo dõi nhiều năm liền cho thấy, những địa phương trên đều là điểm “nóng” và có số lượng về vi phạm HLATLĐCA khá lớn. Cụ thể, TP Hạ Long vẫn còn 165 điểm; TP Cẩm Phả là 270 điểm; TP Uông Bí là 56 điểm; huyện Đông Triều còn 48 điểm… Theo ông Lê Mạnh Quân, Phó phòng Thanh tra An toàn Công ty Điện lực Quảng Ninh, các điểm vi phạm trên đều đã tồn tại từ những năm 1960-1970, nhưng ngành Điện không có cách nào giải quyết triệt để. Bởi lẽ, các điểm vi phạm chủ yếu là do người dân chưa hiểu rõ các quy định về việc bảo vệ an toàn lưới điện, chủ quan trước những tai nạn điện có thể xảy ra nên họ đã xây dựng, cơi nới nhà cửa, công trình quá gần với các đường dây cao áp. Tại một số địa phương, khi lập quy hoạch sử dụng đất, cấp đất cho doanh nghiệp, cá nhân cũng đã không tính đến sự tồn tại trước đó của đường điện. Trong khi đó, ngành Điện chỉ được phép lập biên bản và thông báo với chính quyền địa phương, chứ không được trao quyền xử lý và xử phạt trực tiếp. Chính vì thế nên khi công trình đã được xây dựng kiên cố hoá thì ngành Điện chỉ còn cách tự bỏ 100% kinh phí ra để nâng cao cột, thay thế dây dẫn điện trần bằng dây bọc, ngầm hoá lưới điện, xoá bỏ lưới điện 6kV… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời trước mắt, còn nếu muốn xoá bỏ dứt điểm những điểm vi phạm bằng cách di chuyển, xây dựng tuyến đường điện mới, thì nguồn kinh phí ấy sẽ không dưới vài trăm tỷ đồng.
Mặc dù 3 năm trở lại đây, trên địa bàn toàn tỉnh không phát sinh mới các điểm vi phạm, nhưng số lượng các điểm vi phạm cũ có thể giảm lại không thể thực hiện trong “một sớm một chiều”. Do vậy, để đảm bảo về an toàn lưới điện, ngăn chặn phát sinh mới các điểm vi phạm, cách duy nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là những nội dung đã được quy định tại Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ, về bảo vệ an toàn công trình lưới điện để người dân biết, nâng cao ý thức chấp hành các quy định Nhà nước. Đồng thời, các đơn vị quản lý vận hành lưới điện phải tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, lập biên bản vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, hoàn thiện hồ sơ để báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định, ngay khi phát hiện sự việc có hiện tượng vi phạm. Đối với những điểm vi phạm cũ, ngành Điện cũng cần phối hợp với địa phương và người dân để khoanh vùng các điểm vi phạm, tập trung xử lý những điểm vi phạm nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng đến lưới điện hoặc tính mạng của người dân khu vực xung quanh…
Duy Hoàng
Liên kết website
Ý kiến ()