Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:31 (GMT +7)
Giảm lãi suất cho vay: Giảm thế nào, ai được giảm?
Thứ 4, 14/07/2021 | 11:27:14 [GMT +7] A A
Giảm lãi vay sẽ không dành cho tất cả mà phân lớp khách hàng. Các doanh nghiệp chứng khoán, bất động sản... có thể không được ưu tiên
Phải giảm lãi suất cho vay ngay trong tháng 7 với dư nợ hiện hữu, đây là yêu cầu quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước với 16 ngân hàng thương mại chiếm 75% tổng dư nợ tín dụng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức yêu cầu 16 ngân hàng thương mại lớn nhất hệ thống phải giảm lãi suất cho vay ngay trong tháng 7 này với các khoản dư nợ hiện hữu, tức là các khoản nợ mà doanh nghiệp đang vay ngân hàng. Đây là điểm khác biệt so với những đợt giảm trước kia, bởi khi giảm với dư nợ hiện hữu, sẽ có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính được miễn giảm hơn.
"Hiện nay các gói vay trung dài hạn lãi suất tương đối cao từ 12-14%. Mong muốn của doanh nghiệp là các gói vay trung dài hạn thấp hơn là dưới 10% để phù hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển", ông Đào Quang Huynh - Chủ tịch, Tổng giám đốc CTCP sản xuất Havitech cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Hùng Linh - Giám đốc cấp cao SK Việt Nam cho biết, lãi suất cho vay là yếu tố cốt lõi để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi lãi vay giảm thì mới hỗ trợ được nhiều hơn cho doanh nghiệp giảm chi phí vốn, còn người vay tiền kích thích chi tiêu.
Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,5 - 1%/năm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi lãi suất huy động giảm mạnh hơn đến 2,3%
Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,5 - 1%/năm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi lãi suất huy động giảm mạnh hơn đến 2,3%. Vì thế các ngân hàng sẽ có nhiều dư địa giảm lãi suất cho vay trong nửa cuối năm.
Giảm thế nào, ai được giảm?
16 ngân hàng thương mại lớn nhất đang chiếm 75% dư nợ toàn hệ thống, tương đương đang cho vay khoảng 6,8 triệu tỷ đồng. Câu hỏi được mong chờ hiện nay là liệu có phải tất cả những người đang vay vốn của 16 ngân hàng này đều được giảm hay không?
Trao đổi với bản tin Tài chính kinh doanh, đại diện 1 số ngân hàng cho biết đã thống nhất chủ trương giảm lãi suất, nhưng đang rà soát, cân đối các khoản vay để có được quyết định chính thức về mức giảm, đối tượng được giảm.
Theo Hiệp hội Ngân hàng, 16 ngân hàng đã thống nhất sẽ giảm lãi suất cho các khoản vay có trả nợ gốc lãi từ 15/7 đến hết năm nay. Mỗi ngân hàng sẽ có mức giảm khác nhau, có thể dao động từ 0,5% - 2,5% tùy tình hình tài chính của ngân hàng.
"Mức giảm tùy khả năng vào tổ chức tín dụng nhưng tối đa không quá 1% dư nợ hiện hữu. Như vậy các tổ chức tín dụng sẽ xác định đc số tiền cụ thể, bản thận khách hàng xác định được số tiền được giảm là bao nhiêu. Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước cũng nắm được là tổ chức tín dụng giảm thực tế là bao nhiêu", ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết.
Mỗi ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất khác nhau, có thể dao động từ 0,5% - 2,5% tùy tình hình tài chính của ngân hàng.
Giảm lãi vay sẽ không dành cho tất cả mà phân lớp khách hàng, ví dụ như các doanh nghiệp bất động sản bất động sản, chứng khoán có thể không được ưu tiên, mà tập trung chủ yếu cho nhóm khách hàng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Hay các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (như lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…), tiếp theo là nhóm sản xuất và khách hàng cá nhân.
"Tuỳ thuộc vào đối tượng khách hàng và khu vực địa bàn, lĩnh vực mà tổ chức tín dụng đó đã và đang cho vay. Ví dụ như tổ chức tín dụng đó đang cho vay nhiều ở lĩnh vực, địa bàn khó khăn thì mức độ hỗ trợ sẽ cao hơn", ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết.
Theo xác chuyên gia, vì dư địa giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là không nhiều khi áp lực lạm phát đang tăng lên. Do đó, để giảm được lãi suất cho vay, các ngân hàng bắt buộc phải tiết giảm chi phí hoạt động, thậm chí, chấp nhận hy sinh lợi nhuận.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nướ, đến cuối tháng 5, đã có 677.000 khách hàng được miễn, giảm, hạ lãi suất, với dư nợ gần 1,28 triệu tỷ đồng. Đồng thời, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 256.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Và với chỉ đạo lần này, ước tính sẽ có khoảng 68.000 tỷ đồng dư nợ được xem xét, miễn giảm lãi suất.
Theo VTV
Liên kết website
Ý kiến ()