Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:44 (GMT +7)
Giảm nhẹ thiên tai - trách nhiệm chung của toàn xã hội
Thứ 7, 14/10/2023 | 21:39:41 [GMT +7] A A
Từ ngày 9-13/10, chuỗi hoạt động Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 tổ chức tại Quảng Ninh, một trong những địa phương được đánh giá là tiêu biểu trong công tác quản lý thiên tai, phòng chống biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tổ chức tại Quảng Ninh, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiêu biểu trong công tác chỉ đạo sát sao, ứng phó, quản lý thiên tai tốt, phòng chống biến đổi khí hậu, qua đó đã giảm thiểu tối đa các thiệt hại, góp phần đảm bảo phát triển KT-XH của địa phương. Đặc biệt, Quảng Ninh đã đầu tư hạ tầng phòng chống thiên tai (PCTT) một cách bền vững, có tính lâu dài, cho thấy sự chủ động, hành động sớm và tăng cường chống chịu với thiên tai.
Thực tế, một trong những định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 của Quảng Ninh là chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Theo đó, tỉnh kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 39-CT/TU (ngày 4/6/2020) về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW (ngày 24/3/2020) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tỉnh còn phê duyệt Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 và phương án bảo vệ các vùng trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2020; chỉ đạo các địa phương, đơn vị, tổ chức rà soát, cập nhật xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro của thiên tai.
Công tác PCTT được tổ chức toàn diện hơn đối với tất cả các loại hình thiên tai và được triển khai theo 3 bước cơ bản, từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Trên cơ sở đó, tổ chức bộ máy PCTT và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, tập trung và theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình PCTT, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa khi có thiên tai xảy ra. Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh kiên cố hóa trên 248km kênh mương, nâng tổng số kênh mương được kiên cố hóa lên đến gần 1.890km; trong đó, hệ thống kênh chính và kênh cấp I của các công trình cơ bản đã được kiên cố hóa. Trên địa bàn tỉnh có hơn 500 công trình được đánh giá hiện trạng công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Đặc biệt, tỉnh đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống trạm quan trắc mưa tự động tại một số địa phương để quan trắc, cảnh báo mưa lũ.
Tỉnh Quảng Ninh còn phê duyệt phương án vùng trọng điểm PCTT trên địa bàn, gồm vùng đê Hà Nam (TX Quảng Yên); dân cư sạt lở vùng lũ quét; vùng dân cư và tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; vùng đê tả sông Kinh Thầy (TX Đông Triều); vùng hồ chứa nước Yên Lập (TP Hạ Long), để làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện phương án ngay trước mùa mưa bão. Toàn tỉnh hiện có 66 vị trí tự nhiên có điều kiện thuận lợi để tàu thuyền neo đậu tránh trú với diện tích khoảng 16,1km2.
Hằng năm, các địa phương trong tỉnh luôn chủ động các biện pháp PCTT&TKCN. Ba Chẽ là một trong những địa phương thường xuyên phải chịu ảnh hưởng trực tiếp mỗi khi có thiên tai, mưa lũ xảy ra. Công tác chủ động PCTT&TKCN luôn được huyện chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, lụt, bão, sạt lở tại địa phương. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Xác định công tác PCTT là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong năm, đầu năm nay, huyện yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn, đơn vị chức năng ở địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN. Huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, sạt lở; chủ động xây dựng phương án ứng phó sát với tình hình thực tế và lên lịch trực chỉ huy, trực ban, trực cơ động, danh sách huy động lực lượng cứu hộ, kèm số điện thoại gửi về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện để chủ động điều hành. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng chống mưa bão, phân công cán bộ chỉ đạo, chỉ huy trực phòng, chống mưa bão tại các khu vực trọng điểm và luôn sẵn sàng chuẩn bị vật tư trang bị, vật chất, hậu cần theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”.
Vừa qua, huyện Ba Chẽ đã gắn biển, khánh thành 4 công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh. Trong đó có Dự án, công trình nâng cấp chống ngập lụt tuyến đường từ đường tỉnh 330 - đường tỉnh 342 - Đồng Dằm (xã Đạp Thanh) - Khe Nà (xã Thanh Sơn) - Lang Cang (xã Đồn Đạc) được khởi công từ tháng 6/2022 và hoàn thành vào ngày 27/6/2023, tổng kinh phí 131,5 tỷ đồng. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giải quyết dứt điểm tình trạng gián đoạn giao thông tuyến đường từ xã Đồn Đạc đi xã Đạp Thanh trong mùa mưa, lũ; tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại của nhân dân. Cũng như tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông trong khu vực, phát triển KT-XH trên địa bàn huyện. Đồng thời phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi có mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 397km đê, trong đó 33km đê cấp III, 134km đê cấp IV và 230km đê cấp V. Hệ thống đê có khả năng chịu được gió bão cấp 9 kết hợp thủy triều tần suất 10%, đây là mức đảm bảo tương đối cao so với toàn quốc. Trên địa bàn tỉnh có 176 hồ, đập hoạt động cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho người dân; dung tích hữu ích các hồ chứa là trên 315 triệu m3.
|
Về lâu dài, để PCTT, ứng phó với biến đổi khí hậu, Quảng Ninh xác định sẽ đẩy mạnh công tác thể chế hóa các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; kiên định với quan điểm không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá trong tất cả các cấp, các ngành, các công đoạn của quá trình hoạch định, điều hành chính sách, phê duyệt các dự án đầu tư.
Đồng thời, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với thúc đẩy, phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận phù hợp để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Tỉnh cũng đặt công tác PCTT, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; xác định môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển KT-XH bền vững.
Hoàng Quỳnh
- Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN
- ASEAN họp thường niên về hợp tác quản lý thiên tai với 3 quốc gia
- Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai
- “Xanh hóa thùng rác – bảo vệ môi trường xanh nâng tầm nông thôn mới nâng cao”
- Dành nguồn lực thoả đáng cho công tác bảo vệ môi trường
Liên kết website
Ý kiến ()