Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:17 (GMT +7)
Giảm nhiệt giá xăng, dầu
Thứ 2, 11/07/2022 | 09:21:24 [GMT +7] A A
Sau 7 kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu tăng mạnh liên tiếp và 1 lần giảm nhẹ, vào 0h ngày 11/7, giá xăng, dầu thông dụng được điều chỉnh giảm mạnh, mỗi lít xăng giảm 3.090-3.110 đồng, còn các mặt hàng dầu cũng hạ 800-3.020 đồng.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 về 27.780 đồng (giảm 3.110 đồng), xăng RON 95-III là 29.670 đồng (giảm 3.090 đồng) một lít. Như vậy, giá xăng đã giảm về dưới 30.000 đồng một lít, bằng với ngưỡng giá ở thời điểm giữa tháng 3. Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel là 26.590 đồng một lít, giảm 3.020 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 26.340 đồng, giảm 2.010 đồng. Dầu mazut cũng hạ về 18.920 đồng một kg, giảm 800 đồng.
Thời gian qua, giá xăng, dầu tăng cao đã tạo áp lực rất lớn đối với việc kiểm soát lạm phát. Giá xăng, dầu đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và đời sống người dân khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng cao.
Theo Bộ Tài chính, bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân làm tăng CPI là do bình quân 6 tháng qua, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,87%. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thế giới tăng 34,8%-84,5%. Trong nước, do sử dụng rất linh hoạt, hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và các công cụ khác như giảm thuế bảo vệ môi trường nên giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 20,54%-65,44%, mức tăng này thấp hơn thế giới. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội.
Trước thực trạng giá xăng, dầu tăng cao, để giảm nhiệt mặt hàng này, hạn chế ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống người dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế, áp dụng từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Từ 1/1/2023 sẽ áp dụng thuế bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, nếu không có trường hợp gì đặc biệt.
Cụ thể, mức thuế đối với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Theo tính toán hiện nay, chi phí xăng, dầu trong nền kinh tế Việt Nam chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí của nền kinh tế. Nếu giá xăng, dầu tăng khoảng 10% thì GDP của toàn bộ nền kinh tế giảm khoảng 0,5%. Do đó, trong bối cảnh giá dầu tăng như hiện nay thì việc bình ổn giá là hết sức quan trọng, góp phần kiềm chế lạm phát.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế được cho là quyết định hết sức đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, được doanh nghiệp ủng hộ, đánh giá cao. Nhất là vào thời điểm người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư bắt đầu bắt nhịp trở lại sau 2 năm chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19.
Xăng, dầu là một loại vật tư chiến lược, đặc biệt, đồng thời là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không chỉ đối với tiêu dùng mà đối với cả sản xuất. Việc quản lý giá xăng, dầu được thực hiện theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước và xăng, dầu nằm trong danh mục các mặt hàng nhà nước bình ổn giá. Với quyết định kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giá xăng, dầu sẽ được giảm trong thời gian đến cuối năm, hi vọng góp phần ổn định đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()