Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:23 (GMT +7)
Giảm thiểu tác động bất lợi do việc cắt điện
Chủ nhật, 04/06/2023 | 16:57:59 [GMT +7] A A
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến nắng nóng gay gắt, hạn hán và thiếu nước tại các hồ thủy điện, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động cung cấp điện. Tình trạng thiếu điện đã làm cho người dân cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn. Với một địa bàn kinh tế trọng điểm như Quảng Ninh, việc cung cấp điện cần có chiến lược, kế hoạch, giải pháp phù hợp và phải tính toán giảm thiểu tác động tiêu cực tới tình hình KT-XH, ANTT, ổn định đời sống nhân dân.
Căng thẳng trong cung ứng điện
Dưới tác động của hiện tượng El Nino, ngay từ giữa tháng 5/2023, toàn bộ 12 hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Bắc đều có lượng nước về hồ rất kém, thậm chí có nhiều hồ tần suất nước về kém nhất trong 100 năm qua. Đến đầu tháng 6/2023 ghi nhận có 8/12 hồ đang có mực nước bằng hoặc gần mực nước chết; trong khi đó nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn còn hạn chế. Các nhà máy nhiệt điện gặp khó khăn trong mở rộng đầu tư; một số tổ máy đang gặp sự cố, như: Phả Lại 1, Phả Lại 2, Cẩm Phả, Vũng Áng 1, Nghi Sơn 2, Mạo Khê, Quảng Ninh, Thăng Long, Sơn Động.
Các nguồn cung cấp điện đều thiếu hụt, trong khi nhu cầu điện tăng vọt do nắng nóng, đặc biệt là khu vực phía Bắc, có thời điểm lượng điện tiêu thụ tăng trên 17% so với cùng kỳ năm trước. Tại Quảng Ninh, nắng nóng đã khiến sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 13-15% so với cùng kỳ năm 2022.
Để đảm bảo an toàn hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc (A1) đã yêu cầu điện lực các tỉnh cắt giảm công suất khẩn cấp. Ngày 1/6 vừa qua, A1 đã yêu cầu Quảng Ninh giảm 158,7MW, Hải Phòng giảm 266MW, Thái Bình giảm 146MW... Nếu các địa phương không cắt giảm công suất kịp thời thì Trung tâm sẽ cắt cả lưới 110kV để đề phòng nguy cơ tan rã hệ thống.
Dự kiến nhu cầu tiêu thụ điện của các tỉnh phía Bắc những ngày tiếp theo sẽ tăng cao do thời tiết tiếp tục nắng nóng. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện tiết giảm công suất tiêu thụ điện luân phiên với thời gian dài hơn và việc cắt điện sẽ kéo dài cho đến cuối tháng 6. Cụ thể từ ngày 4-11/6 mỗi ngày phải tiết giảm 30-40% tổng công suất tiêu thụ toàn tỉnh.
Với việc tiến hành tiết giảm công suất tiêu thụ điện trong mùa cao điểm ở địa bàn trọng điểm về KT-XH, an ninh quốc phòng đối ngoại như Quảng Ninh đã tác động không nhỏ đến tình hình SXKD, đời sống dân sinh, đặc biệt đối với khu du lịch trọng điểm, KCN, nơi tập trung đông công nhân, nhất là khu vực có công nhân hầm lò sinh sống.
Bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Long Đại Thiên, cho biết: Công ty đang kinh doanh khách sạn Dragon Legend trên địa bàn phường Bãi Cháy (TP Hạ Long). Những ngày qua do cắt điện luân phiên và liên tục, nên nhiều du khách e ngại lưu trú dài ngày ở khách sạn. Một số đơn vị lữ hành buộc phải hủy lịch trình để chuyển sang địa phương khác. Để đảm bảo những điều kiện lưu trú tốt nhất cho khách hàng, chúng tôi đã phải chạy máy phát liên tục, chi phí tốn gấp 3 lần so với sử dụng điện lưới. Bên cạnh sự chia sẻ với ngành Điện, chúng tôi cũng mong ngành Điện thông báo sớm để doanh nghiệp có thể chủ động sắp xếp khách.
Mất điện làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều công nhân, nhất là những người làm việc trong môi trường nặng nhọc, vất vả, đòi hỏi cần được nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
Anh Vũ Công Định, công nhân Phân xưởng Thông gió, Đo gió và Cấp cứu mỏ (Công ty Than Nam Mẫu), cho biết: "Chúng tôi làm việc dưới hầm lò theo ca kíp, nên rất cần được nghỉ ngơi sau mỗi ca làm việc. Việc mất điện liên tục khiến cho chúng tôi gần như không thể ngủ ngon giấc hoặc chỉ ngủ được vài tiếng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của nhiều công nhân trong Công ty".
Cần có giải pháp tối ưu
Theo dự báo tình trạng El Nino xuất hiện mới chỉ là đợt đầu và sẽ xuất hiện thêm nhiều đợt nữa, chắc chắn sẽ gây ra những tác động bất lợi đến hoạt động SXKD, đời sống dân sinh thời gian tới. Tại nhiều cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã nhiều lần nhấn mạnh, đảm bảo an ninh năng lượng là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Bởi vậy cần phải có giải pháp liên thông, tổng thể, từ xa, từ sớm, vận hành theo đúng phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” để đảm bảo giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động bất lợi do cắt cúp điện.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với ngành điện, ngành than và các doanh nghiệp, chủ đầu tư các KCN để bàn giải pháp hướng đến đạt mục tiêu tốt nhất trong bối cảnh thách thức thiếu hụt năng lượng gây ra.
Quảng Ninh cũng liên tục có văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Công Thương cho phép các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh được phát hết công suất lên lưới. Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phải vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho các mỏ than về thủ tục đầu tư, thuê đất, cấp phép, nhập khẩu máy móc thiết bị… Tinh thần của tỉnh là cả chính quyền và doanh nghiệp phải luôn nỗ lực, quyết tâm ở mức cao nhất để dứt khoát ổn định SXKD và đủ than cho sản xuất điện.
Mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND "Về việc triển khai ngay các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu điện, bảo đảm cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh". Trong đó, quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp thực hiện tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong cao điểm mùa khô, bảo đảm nhu cầu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh, Công ty Điện lực Quảng Ninh đang thực hiện các giải pháp để vận hành an toàn hệ thống lưới điện do đơn vị quản lý. Đồng thời tăng cường ứng trực xử lý sự cố 24/24h; có phương án đảm bảo cấp điện cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng trên địa bàn tỉnh…
Ông Phạm Đình Chấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết: Để đảm bảo an ninh hệ thống điện trong cung ứng điện trên địa bàn tỉnh khi thiếu nguồn, Công ty đã lập và báo cáo UBND tỉnh, Sở Công Thương, Ban Quản lý KKT tỉnh kế hoạch dự kiến tiết giảm công suất để đảm bảo mục tiêu cao nhất là giữ được sự ổn định KT-XH, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do việc cắt điện gây ra.
Việc tiết giảm chủ yếu đang tập trung ở khu vực khách hàng sinh hoạt. Theo tính toán của Điện lực Quảng Ninh, nếu các khách hàng lớn (doanh nghiệp trong các KCN, các công ty than) thực hiện tiết giảm công suất, điều chỉnh lại kế hoạch SXKD, dừng hoạt động của các dây chuyền đang chạy thử… thì có thể tiết giảm được khoảng 100-150MW/ngày. Điều này sẽ góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện trong bối cảnh hiện nay, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Quảng Ninh 6 năm liên tiếp đứng đầu Chỉ số PCI, nhiều năm dẫn đầu các Chỉ số SIPAS, PAR-Index, PAPI, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, nhưng chỉ khi có hạ tầng năng lượng với nguồn cung cấp ổn định chất lượng đủ độ tin cậy mới tiếp tục cải thiện chất lượng thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Do đó, đòi hỏi người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, nhất là các ngành Công Thương, Du lịch, Than, Ban Quản lý KKT, cần phải phối hợp với ngành Điện bàn những giải pháp tối ưu nhất để trong trường hợp phải cắt điện thì đảm bảo mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động bất lợi, tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và trên tinh thần phải đảm bảo công khai, minh bạch.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đòi hỏi sự chung tay, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân. Mỗi doanh nghiệp, người dân hãy thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi trong sử dụng tiết kiệm điện. Mục tiêu cao nhất là giữ được sự ổn định về đời sống sinh hoạt, ổn định về SXKD, giữ được đà phát triển kinh tế, không làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thu Chung - Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()