Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:40 (GMT +7)
Giảm thiểu tai nạn thương tích thường gặp
Thứ 4, 30/06/2021 | 09:27:59 [GMT +7] A A
Tai nạn thương tích rất dễ xảy ra đối với trẻ em, bởi các em thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, cũng như kỹ năng phòng tránh. Vào dịp hè, nhiều bệnh viện đã tiếp nhận những trường hợp trẻ cấp cứu do ngã, đuối nước, bỏng, tai nạn điện giật, tai nạn giao thông... Vì vậy, việc phòng tránh và xử trí đúng tai nạn thường gặp ở trẻ vô cùng quan trọng.
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhi P.T.D.A (4 tuổi, huyện Hải Hà) bị mảnh vỡ xương sọ xuyên thủng màng cứng găm vào tổ chức não do tai nạn giao thông.
Bác sĩ Đinh Văn Triệu (Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) - người trực tiếp thực hiện ca mổ, cho biết: Bệnh nhi vào viện trong tình trạng nguy kịch với chấn thương sọ não nặng, phức tạp, vùng xương sọ chẩm trái bị vỡ lún, khiến một mảnh xương găm xuyên nhu mô não và xoang tĩnh mạch ngang, chảy nhiều máu. Bệnh nhi mới 4 tuổi, cơ thể và não bộ còn non nớt, nên quá trình phẫu thuật xử trí tổn thương đòi hỏi bác sĩ phải cẩn trọng, thao tác khéo léo, tỉ mỉ và tuyệt đối chính xác, nhằm bảo tồn các vùng chức năng, dây thần kinh quan trọng của não bộ, hạn chế biến chứng nguy hiểm sau mổ. Với sự nỗ lực hết sức của toàn ê-kíp, ca mổ đã diễn ra thuận lợi, bệnh nhi ổn định sức khỏe, chức năng giao tiếp và vận động phục hồi tốt.
Còn tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, mới đây các bác sĩ đã tiếp nhận bé trai 11 tuổi ở TP Uông Bí nhập viện với chấn thương vỡ xương gò má phải, vỡ xương hàm phải mặt. Theo gia đình cho biết, trước đó bệnh nhi có trèo lên mái nhà cao tầm khoảng 3m thả diều, không may trượt chân ngã xuống đất. Chấn thương gây đau đớn, phải điều trị lâu dài và có thể ảnh hưởng đến thẩm mĩ và chức năng ăn nhai của trẻ sau này.
Hay trường hợp bé V.B.N (5 tuổi, TP Hạ Long) bị suy hô hấp, viêm phổi nguy kịch do đuối nước khi đi tắm biển. Bệnh nhi nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng tỉnh, kích thích, sốt cao trên 39 độ, thở nhanh, thở gắng sức. Sau hơn 1 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi tiến triển tốt.
Bác sĩ Bùi Đình Phóng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy), cho biết: Người bị đuối nước nếu được sơ cứu kịp thời, đúng phương pháp thì có khả năng sống cao và giảm nhẹ tổn thương. Tuy nhiên, chúng tôi hay gặp những trường hợp sơ cứu sai cách, đó là vác trẻ chạy để nước trong dạ dày thoát ra mà không biết rằng, hành động này vô tình làm mất thời gian vàng để cứu trẻ. Sơ cứu đúng cách là khi đưa trẻ lên khỏi mặt nước, phải thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt, sau đó gọi cấp cứu.
Với sự nguy hiểm, cùng những hậu quả nặng nề để lại từ tai nạn, các bậc phụ huynh cần chú ý việc bảo vệ, phòng ngừa cho trẻ ngay tại gia đình. Đặc biệt, lưu ý kiểm soát khi trẻ đứng gần ao, hồ, sông, suối; không để trẻ mới tập đi tự leo cầu thang, leo cửa sổ, đứng trên ghế... Không cho trẻ chơi gần những nơi nguy hiểm, như: Bếp than, bếp gas, bếp điện; các vật dụng dễ gây nguy hiểm như dao, kéo, đồ sắc nhọn khác; cất những vật dụng gây bỏng như nước sôi, phích nước, bật lửa... xa tầm với của trẻ.
Ngoài việc cung cấp môi trường sống an toàn, trẻ cần được dạy cách phân biệt, nhận biết những nơi có thể gây nguy hiểm; biết thận trọng khi chơi với những đồ vật có thể gây nguy hiểm; biết cách tìm sự trợ giúp của người lớn khi xảy ra tình huống tai nạn.
Có rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em, cách phòng ngừa hiệu quả nhất chính là sự quan tâm giám sát, trông nom của người lớn, bởi chỉ cần một sơ suất có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()