Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:48 (GMT +7)
Giáo dục kỹ năng an toàn giao thông cho trẻ em
Thứ 6, 11/06/2021 | 08:40:02 [GMT +7] A A
Đối với trẻ em, việc quan tâm giáo dục kiến thức pháp luật, trang bị kỹ năng an toàn giao thông (ATGT) từ sớm sẽ giúp hình thành văn hóa ứng xử đúng đắn, tự bảo vệ an toàn cho chính mình, được rèn cách sống có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng. Đây cũng là một cách để góp phần thực hiện mục tiêu chăm sóc, giáo dục toàn diện cho trẻ em.
Những năm qua, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD&ĐT, Công an và Đoàn Thanh niên, công tác giáo dục pháp luật về ATGT tại các nhà trường, cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh luôn được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức đa dạng. Đối với bậc học mầm non, tiểu học, hoạt động tuyên truyền gắn liền với các trò chơi tìm hiểu kiến thức, giúp các em học sinh làm quen với những kiến thức cơ bản như: Quy định của hệ thống đèn tín hiệu, biển báo giao thông đường bộ; cách ngồi trên xe đạp, xe máy, cách đi bộ đảm bảo an toàn cho chính mình...
Ở tuổi vị thành niên, các em được tìm hiểu sâu hơn về những kiến thức pháp luật, nắm vững những kỹ năng an toàn, như: Tuân thủ quy định an toàn, các hiệu lệnh, chỉ dẫn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; phân tích các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, bổ sung kỹ năng phòng tránh tai nạn; cách xử lý, sơ, cấp cứu người bị tai nạn giao thông... Qua đó, đã góp phần nâng cao rõ rệt về nhận thức và ý thức văn hóa giao thông cho học sinh ở mọi cấp học.
Đơn cử như tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long), công tác giáo dục về đảm bảo ATGT cho học sinh được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng. Bao gồm: Lồng ghép việc tuyên truyền về ATGT trong các buổi chính khóa, ngoại khóa, các buổi chào cờ đầu tuần; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa để thu hút học sinh tham gia. Cùng với đó, trong khuôn viên trường cũng có các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Luật giao thông để tuyên truyền trực quan, hằng ngày cho học sinh. Nhà trường cũng duy trì hiệu quả công tác kiểm tra học sinh chấp hành các quy định về bảo đảm ATGT tại cổng trường cả trước giờ vào lớp và giờ tan học; xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn” để kịp thời nhắc nhở phụ huynh, học sinh chấp hành các quy định về ATGT cũng như điều tiết, sắp xếp khu vực dừng, đỗ xe hợp lý, tránh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm...
Việc đẩy mạnh tuyên truyền về ATGT ngay tại trường học nhìn chung đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh học sinh. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng, cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cả về thời lượng và nội dung tuyên truyền, giáo dục ATGT cho các em. Thực tế cho thấy, xã hội ngày càng phát triển, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng lên đáng kể, nhất là tại các khu vực đô thị. Các gia đình có điều kiện đều để cho con em mình sử dụng các loại xe đạp điện, xe máy điện, xe máy dưới 50cc... đều là loại phương tiện có tốc độ cao, nếu các em chủ quan không có ý thức về tham gia giao thông sẽ dễ xảy ra tai nạn giao thông. Do vậy, rất cần sớm đưa việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT trong các cấp học.
Thậm chí ngay từ ở lứa tuổi mầm non, việc giáo dục về ATGT trong trường mầm non đã ảnh hưởng tích cực đến ý thức của trẻ em. Được biết, khi triển khai chương trình giáo dục về ATGT này tại các trường mầm non, giáo viên luôn tạo cho trẻ môi trường hoạt động tốt để trẻ được khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm theo phương pháp học mà chơi, chơi mà học. Trong đó, phải kể đến các mô hình giao thông để giúp trẻ nhận thức về “ngã tư giao thông”, “vạch kẻ đường”, “đèn tín hiệu”, “đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy”... Hầu hết trẻ rất hào hứng khi được phân vai trong trò chơi, để qua đó vừa có thêm kiến thức vừa rèn luyện sức khỏe.
Bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, mỗi phụ huynh học sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nhắc nhở, giám sát con em mình. Đặc biệt là vai trò nêu gương trong việc học tập, thực hành các kỹ năng ATGT để các em noi theo.
Điều 11 Luật Trẻ em quy định:
- Tháng hành động Vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện Tháng hành động vì trẻ em.
|
Hoàng Giang
- Tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong mùa Hè
- Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em
- Dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em
- Chăm lo cho trẻ em vùng cao
- Thiết thực chăm lo cho trẻ em
- Chủ động rèn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em
- Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về sử dụng lao động trẻ em
- Điểm danh những quốc gia tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em
Liên kết website
Ý kiến ()