Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:11 (GMT +7)
Gian nan “gieo chữ” ở vùng cao
Thứ 2, 04/04/2022 | 11:03:56 [GMT +7] A A
Không quản ngại nắng mưa, gian khó, băng rừng, lội suối, ngày đêm bám trường, bám lớp gieo từng con chữ cho học sinh… Đó là những công việc thường nhật của các giáo viên ở các xã vùng cao trong tỉnh.
Con đường “gieo chữ” ở Bản Ngày
Chúng tôi tới huyện Bình Liêu một ngày cuối tháng 3/2022. Thời tiết huyện vùng cao mùa này sáng sớm và chiều tối là cái lạnh đặc trưng, bao phủ những ngọn núi là lớp sương trắng dày huyền ảo. Trưa đến, nhiệt độ tăng dần và có nắng, nhưng đâu đó vẫn có từng cơn gió mang hơi lạnh ùa về.
Đưa chúng tôi đến Điểm trường Bản Ngày, Trường Tiểu học Vô Ngại (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) là thầy giáo Lương Dư Phúc, Hiệu trưởng nhà trường. Thầy Phúc nói: Điểm trường Bản Ngày có cô giáo Vi Thị Thơm, SN 1977, đang dạy rất tâm huyết, nhiệt tình, được học trò yêu mến, phụ huynh gắn bó, tin tưởng. Cô Thơm về Trường Tiểu học Vô Ngại từ năm 2002, đến nay đã dạy tới 7 điểm trường của Trường. Cô là một tấm gương nhà giáo tiêu biểu của nhà trường về sự nỗ lực, kiên trì, vượt khó. Chính vì thế, tôi mới muốn giới thiệu để nhà báo viết.
Đi xe máy từ trung tâm xã Vô Ngại tới Điểm trường Bản Ngày mất chừng 20 phút. 11 giờ trưa khi cô giáo Thơm dạy học trò xong, chúng tôi trò chuyện cùng cô. Cô giáo chia sẻ: Năm 1998, sau khi ra trường, tôi về công tác tại Trường Tiểu học Húc Động (huyện Bình Liêu). Tới năm 2002, tôi chuyển về Trường Tiểu học Vô Ngại và gắn bó với ngôi trường này đến nay. Tôi đã từng dạy ở những điểm xa trường chính tới hơn chục cây số như: Khe Lánh, Nà Nhái, Cầu Sắt… Dù nhà trường cử dạy ở điểm trường nào, tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Điểm trường Bản Ngày tuy không quá xa, nhưng đến đây phải đi xe qua cầu treo, đòi hỏi tay lái phải vững. Những ngày mưa to gió lớn, cô giáo Thơm phải xuống dắt xe qua đoạn cầu treo này. Vượt lên mọi vất vả, khó khăn, cô giáo Thơm cùng những đồng nghiệp nơi đây luôn bám trường, lớp dạy chữ cho các em, trở thành người mẹ thứ 2 của học sinh nhà trường.
“Lớp tôi dạy ở Bản Ngày chỉ có 20 học sinh dân tộc Tày, Dao. Các em tiếp thu bài tuy hơi chậm, nhưng bù lại đều rất ngoan. Ở đây, nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhiều phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn bắt con nghỉ học, đi làm. Vì thế, chúng tôi phải thường xuyên đến tận nhà vận động để cho con em họ quay lại lớp..." - Cô giáo Thơm kể.
Tâm sự nghề
Những vất vả, gian nan của cô giáo Vi Thị Thơm cũng là nỗi niềm, trăn trở chung của nhiều thầy, cô giáo đang giảng dạy tại các trường học, điểm trường vùng cao trong tỉnh. Không chỉ gặp khó khăn về điều kiện đi lại, đường sá, môi trường, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho việc dạy học, nhiều thầy cô còn phải hy sinh hạnh phúc của bản thân, xa gia đình để gieo từng con chữ cho học trò. Một số giáo viên ngoài giờ học trên lớp còn đến tận nhà những học sinh có học lực yếu kém, hoàn cảnh khó khăn để bồi dưỡng, hỗ trợ, giúp các em có động lực vươn lên trong học tập.
Còn nhớ trong chuyến công tác lên xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) tháng 3 năm ngoái, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh cô giáo Bùi Thị Dung, Điểm trường Lý Van, Trường Tiểu học Quảng Sơn 1, hằng ngày phải mang từng bình nước lọc đến điểm trường để cả cô và trò cùng uống. Điểm trường này tuy cách điểm chính khoảng 3 cây số nhưng đường đi khó khăn, chưa có nhà vệ sinh khép kín, chưa có nguồn nước sạch. Hình ảnh tuy giản dị đã khiến cho chúng tôi cảm thấy sự gắn kết giữa cô và trò nơi đây cũng như sự khó khăn, vất vả của những giáo viên cắm bản.
Khi ấy, cô giáo Dung đã nói: Ở đây, các em chịu nhiều thiệt thòi lắm. Bố mẹ đi làm triền miên nên chẳng quan tâm con. Điểm trường thì thiếu thốn về cơ sở vật chất, không có trang thiết bị hiện đại, ti vi thông minh, máy tính như dưới vùng xuôi. Dù vậy, cả cô và trò đều cố gắng vượt lên khó khăn. Cái khó ló cái khôn, tôi đã học hỏi nhiều phương pháp sáng tạo, tổ chức nhiều trò chơi, bài giảng sinh động để tạo hứng thú cho học trò khi đến lớp, từ đó giúp các em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được đến trường học tập.
Sự nhiệt huyết, tận tụy của cô giáo Dung, cô giáo Thơm và các thầy, cô giáo vùng cao đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh. Cô giáo Nịnh Thị Hiên, Điểm trường Bắc Tập, Tổ trưởng chuyên môn khối 1-2-3, Trường Tiểu học Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ), người đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm học 2020-2021, cho hay: Tôi ra trường năm 2008. Đến năm 2010, tôi bắt đầu nghề giáo tại huyện Hải Hà. Năm 2015, tôi chuyển về huyện Ba Chẽ, nơi tôi sinh ra, lớn lên, dạy học tại Trường Tiểu học Đạp Thanh đến nay. Là tổ trưởng chuyên môn, tôi thường xuyên đôn đốc các tổ viên trong tổ thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Năm học qua, tôi tổ chức thành công 2 chuyên đề cấp trường để giáo viên có điều kiện trao đổi, thảo luận đưa ra các biện pháp để nâng cao chất lượng dạy học đại trà, mũi nhọn. Trong quá trình dạy, tôi luôn nghiên cứu kỹ bài dạy, tìm hiểu những tài liệu phục vụ cho bài giảng, chuẩn bị đồ dùng, phương tiện cho các giờ dạy một cách tỉ mỉ, chu đáo. Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để nâng cao chất lượng giờ học.
Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, cho biết: Việc dạy và học ở những điểm trường tại các thôn, bản xa xôi của xã còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều điểm trường xa nơi trung tâm, các nhóm lớp không phân chia được phải học ghép 2-3 độ tuổi. Ở nhiều nơi, cơ sở vật chất đã được quan tâm, nhưng việc bổ sung thay thế các thiết bị hỏng chưa kịp thời. Nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm tới việc học tập của con em mình. Hiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc dạy học của giáo viên. Nhiều thầy cô phải dạy trực tuyến vào buổi tối vì học sinh còn nhỏ cần bố mẹ để kèm cặp. Có thầy cô phải đến tận nhà để phát phiếu học tập với những em sống ở nơi chưa được phủ sóng internet.
Còn đó những băn khoăn, nỗi lòng không thể kể được bằng lời của các thầy cô giáo cắm bản nơi vùng cao của tỉnh. Nhiều thầy cô giáo trẻ đã hy sinh tuổi thanh xuân, tình nguyện lên núi rừng dạy chữ, phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết, tình yêu thương với học sinh đã tạo nghị lực để họ dốc sức, bám trụ với nghề, cần mẫn ươm mầm ước mơ, đem ánh sáng tri thức đến cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()