Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:55 (GMT +7)
Giao ban Thường trực Tỉnh ủy
Thứ 2, 24/01/2022 | 18:36:05 [GMT +7] A A
Ngày 24/1, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban tuần để nghe và cho ý kiến về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tuần qua, nhiệm vụ thời gian tới thực hiện Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 16/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022 cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Khi chuyển trạng thái “Zero Covid” sang thực hiện chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sớm ban hành Chỉ thị 18-CT/TU về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” với những quan điểm, phương châm, giải pháp mang tầm chiến lược và cụ thể hóa Nghị quyết 128 của Chính phủ và Kết luận hội nghị Trung ương 4.
Phương pháp, cách làm đã được tỉnh Quảng Ninh kịp thời điều chỉnh, chủ động vận dụng phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh theo đúng phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, dự phòng, tích cực, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Từ việc củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; coi trọng giám sát dịch bệnh, xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ hằng ngày, hằng tuần theo đúng quy định, nhằm kịp thời phát hiện sớm, truy vết sớm, cách ly sớm, điều trị sớm các trường hợp F0 đến việc phát huy cao nhất vai trò trung tâm của nhân dân, doanh nghiệp trên tất cả mọi mặt hoạt động phòng, chống dịch; bảo vệ chặt chẽ các đối tượng trọng điểm là những người cao tuổi có bệnh lý nền không tiêm được vắc xin, trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin, đối tượng yếu thế ở vùng cao, vùng sâu, người ngoại tỉnh chưa được tiêm vắc xin... Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước đặt vấn đề toàn dân biết tự xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh; chủ động xây dựng bộ dữ liệu lớn về xét nghiệm dùng chung toàn tỉnh, kết nối liên thông, đồng bộ với nền tảng công nghệ, trong đó có ứng dụng PC-COVID đảm bảo sự nhất quán, đồng bộ, kết nối chia sẻ liên thông.
Với những chỉ đạo mang tầm chiến lược, những quyết sách sáng tạo, khoa học, quyết đoán tỏ rõ bản lĩnh của người đứng đầu từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là Ban chỉ đạo cấp tỉnh, sau hơn 3 tháng chủ động thực hiện Chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn trong tầm kiểm soát dù đến nay tỉnh ghi nhận trên 10.500 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4. Nhiều địa phương, kể cả những địa phương khó khăn như Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu cũng đã và đang nhanh chóng làm chủ được tình hình, các khu công nghiệp hoạt động bình thường, đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gẫy. Học sinh toàn tỉnh vẫn được đến trường học tập trực tiếp. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 1, mũi 2 của Quảng Ninh nằm trong tốp địa phương dẫn đầu cả nước đạt trên 95%, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3 (mũi tăng cường) cho người dân 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm đạt gần 82%. Từ khi xuất hiện dịch đến nay, tính đến 12h ngày 24/1, Quảng Ninh mới ghi nhận 7 ca tử vong/10.600 ca mắc, chiếm tỷ lệ gần 0,07%, trong khi đó tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên thế giới là 1,59%, ở Châu Á là 1,34% và ở Việt Nam con số này là 1,71%. Trong 7 người tử vong ở Quảng Ninh, nguyên nhân chủ yếu là do là đã cao tuổi, bệnh nền, bệnh nặng - nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, chạy thận nhân tạo và khi tử vong nhiễm Covid-19. Hầu hết các trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng từ nhẹ.
Đánh giá cao những kết quả toàn tỉnh đạt được trong hơn 3 tháng thực hiện Chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, những kết quả nêu trên cho thấy niềm tin về chiến lược đúng, bước đi đúng, cách làm đúng phát huy hiệu quả, rõ rệt với lộ trình vững chắc. Qua đó, đã góp phần giữ vững ổn định, phát triển kinh tế xã hội, hạn chế ca mắc mới, giảm thiểu số ca trở nặng, ca tử vong.
Để tiếp tục phòng, chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới theo chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã đến gần, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với những giải pháp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã đề xuất, trong đó tiếp tục duy trì nghiêm công tác trực phòng chống dịch Covid-19; thực hiện công tác tiêm chủng xuyên Tết; sẵn sàng phương án ứng phó với tình huống dịch bùng phát theo các kịch bản đã xây dựng.
Để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, kiểm soát thành công dịch bệnh trước, trong, đặc biệt là sau Tết, đảm bảo người dân về quê ăn Tết và trở lại tỉnh an toàn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp Tết và trở lại nơi làm việc sau Tết. Chính mỗi người dân cũng phải thay đổi nhận thức, ý thức, thái độ, hành vi, đề cao trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cơ quan đơn vị mình để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Khi trở lại tỉnh nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở, hãy hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định.
Để đáp ứng nhu cầu nhân dân, du khách trong dịp Tết, giao Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương nơi có các sự kiện, lễ hội xây dựng lộ trình mở cửa có kiểm soát trở lại hoạt động du lịch, dịch vụ trước, trong, sau Tết đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả để đón nhân dân, du khách; chuẩn bị về năng lực y tế, sẵn sàng về nhân lực, vật lực, chủ động các phương án, giải pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và xử lý sự cố y tế phát sinh.
Sẵn sàng các phương án nhân lực, vật lực, thuốc, đội ngũ y tế... theo yêu cầu “6 đủ” đảm bảo đáp ứng năng lực xử trí mọi tình huống nảy sinh ở tất cả các địa bàn trên địa bàn tỉnh; tổ chức lực lượng ứng trực ở mức hiệu quả nhất trong dịp Tết.
Cùng với việc chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng tiêm cho trẻ đủ 5 tuổi đến 12 tuổi đảm bảo an toàn nhất, hiệu quả nhất, ngành y tế và các địa phương tiếp tục tổ chức tiêm hết vacxin mũi 3 - mũi tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm vét cho những người từ 12 tuổi trở lên, cũng như các đối tượng có chỉ định tiêm nhưng chưa tiêm, đặc biệt quan tâm là người cao tuổi, già yếu, có bệnh lý nền.
Giao Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng các sở ban ngành, người đứng đầu các cơ sở giáo dục đào tạo… phải chủ động kế hoạch đón nhân viên, học sinh quay trở lại làm việc, học tập sau Tết an toàn, duy trì hoạt động bình thường.
Đối với công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh, bám sát Chỉ thị 11 của Ban Bí thư, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động sớm xây dựng kế hoạch để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; trong đó, quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong dịp Tết năm nay, Quảng Ninh dành hơn 168 tỷ đồng để tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp tết các đối tượng chính sách, an sinh xã hội, tăng hơn 78.646 suất quà và tăng 34 tỷ đồng so với năm 2021.
Đồng chí yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, đồng chí Bí thư cấp ủy và Ban Thường vụ 13 địa phương cấp huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, kiểm tra giám sát rà soát tất cả các đối tượng được thụ hưởng quà Tết theo quy định, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, không được bỏ sót, không để ai bị bỏ lại phía sau song không để nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, gây dư luận xấu trong việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, của địa phương trong dịp Tết nguyên đán.
Ngoài ra, MTTQ tỉnh chủ trì phối hợp với các địa phương phải nắm bắt các đối tượng là người Quảng Ninh đang làm việc ở các tỉnh, thành khác quay trở về Quảng Ninh ăn Tết nhưng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có hình thức quan tâm kịp thời, phù hợp. Cùng với đó, quan tâm các đối tượng lao động phi chính thức ở khối dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh 2 năm qua.
Thường trực Tỉnh ủy nhắc nhở, qua rà soát bước đầu, hiện còn một vài đơn vị còn nợ lương người lao động như Công ty TNHH Phúc Xuyên, Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Uông Bí, Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Uông Bí; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Quảng Ninh; Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh, Công ty TNHH MTV Cảng Hòn Gai Vinashin… yêu cầu chủ doanh nghiệp, người đại diện doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật về chi lương, thưởng đúng dịp Tết. Liên đoàn lao động tỉnh thường xuyên nắm bắt tình hình tiền lương, thưởng tết, nợ lương tại các doanh nghiệp, đảm bảo tất cả người lao động trên địa bàn tỉnh đều có tết.
Ban Cán Đảng UBND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức Tết trồng cây với chủ đề hưởng ứng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và 5.000ha rừng cây gỗ lớn, giá trị kinh tế cao như lim, lát, dổi phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của Quảng Ninh. Ngành than cũng đẩy mạnh trồng cây hoàn nguyên, xanh hóa các bãi thải mỏ.
Trước, trong và sau tết, các lực lượng vũ trang chú trọng công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, sẵn sàng phương án ngăn chặn, xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp xảy ra, không để bị động, bất ngờ; Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; có các phương án đảm bảo an toàn giao thông.
Cũng trong chiều nay, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1).
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()