Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:55 (GMT +7)
Giao ban Thường trực Tỉnh ủy
Thứ 2, 16/05/2022 | 19:11:36 [GMT +7] A A
Ngày 16/5, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban tuần để nghe và cho ý kiến về báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh; tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với Nghị quyết 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, sau 1 năm triển khai Nghị quyết 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, bước đầu đã cho những kết quả quan trọng. Chỉ số PCI của Quảng Ninh 5 năm liên tiếp giữ vững xếp hạng ở vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất được VCCI xếp hạng có chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt” năm 2021. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành, cơ quan ngành dọc Trung ương từng bước được nâng lên, theo hướng chuyện nghiệp. Tỉnh đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ 75%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt cao, trong đó cấp tỉnh đạt 99,7%; cấp huyện đạt 97,9%; cấp xã đạt 98,3%.
Các cấp, các ngành đã hỗ trợ, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các TTHC ở nhiều lĩnh vực để triển khai các dự án, công trình động lực và góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021. Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm chỉ đạo, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế.
Tuy nhiên, công tác giải quyết TTHC năm 2021 trên một số lĩnh vực còn để xảy ra trễ hạn, quá hạn ở cả 3 cấp chính quyền và có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Chỉ số PAR-Index cấp huyện chưa có cải thiện nhiều. Việc sử dụng chữ ký số cá nhân để xử lý hồ sơ điện tử trên môi trường mạng rất thấp. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc hoàn toàn trên môi trường mạng cũng còn thấp. Môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực PCI mặc dù giữ được vị trí số 1 đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên vẫn có sự giảm điểm, chưa cải thiện ở một số chỉ số như tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động...
Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp còn tâm lý ngại thay đổi trong thực hiện TTHC trên môi trường mạng, hầu hết muốn trực tiếp được nộp hồ sơ; trang thiết bị, máy móc tại một số trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đã xuống cấp.
Cho ý kiến nội dung này, Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan, cần chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan, nhất là liên quan do người đứng đầu một số sở, ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chưa sâu sát trong chỉ đạo giải quyết TTHC thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình; việc thiếu sự quyết liệt trong kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời; kỷ cương kỷ luật hành chính chưa nghiêm, đôi lúc còn thành tích, hình thức. Đa phần các hồ sơ quá hạn thuộc các lĩnh vực tài nguyên, đất đai, xây dựng, chủ trương đầu tư, đây là các thủ tục phức tạp, liên thông nhiều cấp, nhiều ngành, phải đi thực địa, cần nhiều thời gian xử lý, phải báo cáo nhiều cấp theo quy chế làm việc.
Để khắc phục các hạn chế trên, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu cần tập trung thực hiện các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 05 và Nghị quyết 09 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước hết, cần tập trung những điểm còn yếu đã được chỉ ra để khắc phục và gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi hạn chế chỉ ra phải rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm cá nhân liên quan mới có thể cải thiện thực chất và quan trọng nhất là tăng cường niềm tin, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải tuyên truyền, vận động, tạo niềm tin cho người dân trong tiếp cận sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục phát huy hiệu quả sau đầu tư một số cơ sở vật chất còn phù hợp với tình hình; rà soát tống thể cơ chế phân công, phân nhiệm của các địa phương, cơ quan đơn vị để đảm bảo theo đúng yêu cầu của Nghị quyết, trên tinh thần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND các cấp theo hướng sâu sát, cụ thể, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với Nghị quyết 06-NQ/TU Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua nghe báo cáo và thảo luận, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất đánh giá: Sau hơn 10 năm thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trong cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện rõ rệt đời sống của người nông dân và người dân ở nông thôn; củng cố niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương ngày càng được nâng cao. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn đã có bước khởi sắc, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn chuyển đổi tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ. Nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại.
Nông thôn đổi mới, khang trang, văn minh hơn, kết cấu hạ tầng KT-XH, điều kiện sống của phần lớn người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đề án 196 về đích sớm hơn so với mục tiêu thời gian đặt ra và đạt được những thành tựu to lớn, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị; kết nối nông nghiệp với công nghiệp dịch vụ và với các KKT, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
Đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập, năng lực làm chủ của người dân tăng lên. Số hộ nghèo giảm nhanh. Nông dân Quảng Ninh đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị nông sản, khôi phục và phát triển một số ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái. Đặc biệt, người dân nông thôn tích cực tham gia tự nguyện hiến đất, góp công sức cùng hệ thống chính trị cơ sở trong công cuộc xây dựng nông thôn mới để hiện thực hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.
Những mô hình sản xuất kinh doanh mới trong nông nghiệp, nông thôn ở Quảng Ninh có nhiều đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các chỉ đạo của Trung ương về phát triển tam nông và kinh tế tập thể; đã hình thành được các mô hình hợp tác, mô hình liên kết sản xuất chế biến dịch vụ nông nghiệp gắn kết giữa công nghiệp, du lịch, dịch vụ với nông nghiệp theo chuỗi giá trị kinh tế hộ gia đình tiếp tục có xu hướng chuyển dịch sang công nghiệp, dịch vụ. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng cao, phát huy được sự tham gia tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội ở nông thôn. Công tác lãnh đạo từ tỉnh xuống cơ sở đối với nhiệm vụ tam nông có nhiều đổi mới.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn chỉ ra, tốc độ, tiến độ, chất lượng hiệu quả công việc đề ra theo mục tiêu năm 2022 trong chương trình xây dựng NTM, Nghị quyết 06 chưa đạt yêu cầu đề ra. Cấp huyện, cấp xã, cấp thôn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, khâu tổ chức thực hiện là khâu yếu nhất hiện nay; nhận thức chưa đầy đủ, tư tưởng nặng về đầu tư hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức thúc đẩy phát triển sản xuất, còn ỉ lại, trông chờ vào cấp trên.
Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra trong năm 2022 là Quảng Ninh sẽ có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải quán triệt rõ các quan điểm. Đó là phải lấy nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình. Trong đó phải coi trọng việc nâng cao chất lượng toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn và người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo để có người dân có cuộc sống được nâng cao về chất lượng sống, được hưởng thụ các dịch vụ về hạ tầng tiệm cận với đô thị.
Tỉnh tiếp tục ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tập trung vào 3 khâu đột phá, trong đó trong năm 2022 tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng giáo dục đào tạo ở các huyện nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Chú trọng đúng mức tới việc đầu tư hạ tầng thiết yếu để phục vụ phát triển sản xuất, phát triển các mô hình sản xuất mới, mô hình liên kết giữa khu vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch với nông nghiệp; mô hình kết nối đô thị với nông thôn.
Tập trung nguồn lực để làm đến đâu dứt điểm đến đó về hạ tầng nông thôn và hạ tầng của các xã vùng núi, biên giới, hải đảo theo hướng toàn diện, đồng bộ về kết cấu hạ tầng KT-XH; xây dựng văn hóa giàu bản sắc, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; an ninh trật tự.
Dứt khoát phải lấy mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân nông thôn gắn với phát triển giáo dục đào tạo, phát triển lực lượng lao động, chuyển đổi nghề để đảm bảo người dân, người lao động gắn bó với mảnh đất Quảng Ninh.
Nhấn mạnh tổ chức thực hiện chính khâu trung tâm, quyết định sự thành công trong thời điểm này, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu cơ chế thực hiện phải được làm chặt chẽ từ cấp thôn đến cấp tỉnh. Công việc phải kiểm đếm hàng tháng với tinh thần cán bộ cấp tỉnh nắm rõ tình hình, công việc của cấp xã, cán bộ cấp huyện nắm rõ công việc của cấp thôn và cán bộ cấp xã phải nắm rõ tình hình đời sống, sinh kế, việc làm của người dân xã mình, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo.
Cũng trong ngày, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng khác.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()