Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 16/12/2024 20:57 (GMT +7)
Giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non: Hữu ích, hiệu quả
Thứ 5, 26/05/2016 | 14:25:05 [GMT +7] A A
Năm học 2015-2016 là năm học thứ 3 ngành Giáo dục Quảng Ninh thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non”. Qua 3 năm học thực hiện, chuyên đề này đã góp phần giúp trẻ mầm non của tỉnh phát huy tốt khả năng vận động và phối hợp vận động, từ đó, mạnh dạn, tự tin, có ý thức kỷ luật hơn khi tham gia các hoạt động thể chất, đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non đối với các độ tuổi.
Tiết học vận động của trẻ lớp 4-5 tuổi B, Trường Mầm non Hoa Lan (TP Hạ Long). |
Được dự một tiết học phát triển vận động của lớp 4-5 tuổi B, Trường Mầm non Hoa Lan (TP Hạ Long), chúng tôi nhận thấy, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em thực hiện các vận động theo từng chủ đề khá tự tin, đồng thời biết khéo léo phối hợp vận động cùng nhau. Cô giáo Đinh Thị Tâm, Hiệu phó Trường Mầm non Hoa Lan cho biết: “Trẻ rất hào hứng khi tham gia vào hoạt động phát triển thể lực. Thực tế, nhằm giúp các em tăng hiểu biết về lợi ích của việc luyện tập vận động đối với sự phát triển cơ thể và bảo vệ sức khoẻ, thời gian qua, nhà trường đã đa dạng hoá hình thức tổ chức hoạt động phát triển vận động. Cụ thể như: Tăng thời lượng vận động cho trẻ; đổi mới hệ thống bài tập vận động; thực hiện các hội thi lồng ghép trong từng năm học…”. Cũng theo cô giáo Đinh Thị Tâm thì chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” đã giúp cho công tác giáo dục vận động của nhà trường được thực hiện bài bản, chất lượng hơn. Theo đó, để tăng sự hứng thú cho trẻ, bên cạnh những trang thiết bị được cấp phát theo Thông tư 02 của Bộ GD-ĐT, nhà trường còn tích cực chỉ đạo giáo viên làm thêm các đồ dùng, đồ chơi tự tạo từ thiên nhiên, hoặc những phế liệu an toàn như: Quả bông, ghế băng thể dục, bục cho trẻ bật… Mặt khác, khu vui chơi ngoài trời cũng được trường sắp xếp hợp lý, bố trí khoa học, sử dụng hiệu quả, thuận tiện để trẻ vui chơi.
Không riêng Trường Mầm non Hoa Lan, rất nhiều cơ sở giáo dục khác trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện khá tốt chuyên đề này. Theo bà Đàm Thị Thanh Thuỷ, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT thì thực hiện chuyên đề này, 3 năm học vừa qua, ngành Giáo dục Quảng Ninh đã rất chú trọng tới việc quan tâm đầu tư kinh phí trang bị cơ sở vật chất, bao gồm cả việc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa. Nhờ đó, cơ sở vật chất, trường, lớp, trang thiết bị phục vụ cho việc triển khai, thực hiện chuyên đề được thay đổi đáng kể. Diện tích, chất lượng các phòng học, phòng chức năng nhìn chung đạt yêu cầu quy định. Khuôn viên, cảnh quan, môi trường trong và ngoài lớp học được quy hoạch, bố trí, sắp xếp tương đối phù hợp với việc tổ chức hoạt động vận động cho trẻ. Đến nay, toàn tỉnh có 2.963 phòng học mầm non (tăng 787 phòng so với năm 2009). Tỷ lệ phòng học mầm non kiên cố chiếm 80,9% (tăng 56,9% so với năm 2009). Những địa phương có tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cao phải kể đến: Cẩm Phả, Đông Triều, Uông Bí...
Các trường, nhóm, lớp và trẻ em thực hiện chuyên đề tăng dần về số lượng, nâng lên về chất lượng qua từng năm. Năm học 2015-2016, toàn tỉnh đã có 100% trường, lớp thực hiện chuyên đề (tăng 183 trường và 2.634 nhóm, lớp so với năm học đầu tiên triển khai). Qua đánh giá của Sở GD-ĐT, sau 3 năm thực hiện, chuyên đề đã góp phần kích thích phát triển ở trẻ các giác quan, các chức năng tâm, sinh lý, hình thành những phẩm chất, năng lực, kĩ năng sống nền tảng, phù hợp với yêu cầu của gia đình, cộng đồng, xã hội. Cùng với đó, chuyên đề cũng giúp trẻ phát triển các tố chất nhanh, mạnh, khéo, bền; phát triển khả năng định hướng trong không gian, có ý thức giữ gìn sức khoẻ bản thân. Theo đó, thực hiện chuyên đề, ngành đã chú trọng tới một số nội dung thiết thực như: Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ chơi, tạo môi trường để trẻ phát triển vận động; đổi mới phương pháp, tăng cường lồng ghép hoạt động giáo dục vận động vào các hoạt động giáo dục khác; đẩy mạnh tuyên truyền tới các bậc phụ huynh; tổ chức các hội thi về giáo dục vận động… Để triển khai chuyên đề hiệu quả, Sở còn chỉ đạo các đơn vị linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp với tình hình thực tiễn tại trường, địa phương và nhu cầu, hứng thú của trẻ.
Có thể thấy, sau 3 năm học thực hiện, chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” đã góp phần giúp cho công tác giáo dục vận động được phát huy hiệu quả. Mong rằng, thời gian tới, các trường sẽ tích cực đổi mới, có thêm nhiều hoạt động, giải pháp hay, thiết thực hơn nữa để chuyên đề ngày càng đi vào chiều sâu.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()