Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 16/12/2024 16:51 (GMT +7)
Phân bổ linh hoạt nguồn vốn cho chương trình vùng khó
Thứ 2, 16/12/2024 | 14:28:22 [GMT +7] A A
Thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2024, từ đầu năm đến nay tỉnh đã quyết liệt, linh hoạt trong huy động, phân bổ vốn thực hiện các chương trình. Từ đó, góp phần đẩy nhanh các chương trình, dự án và phát huy hiệu quả sau triển khai.
Ngay từ đầu năm, tỉnh ban hành nhiều quyết định giao kế hoạch vốn ngân sách tỉnh thực hiện các chương trình và chỉ đạo phân bổ chi tiết vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 để tập trung triển khai hiệu quả ngay từ đầu năm. Đặc biệt, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua nhiều nghị quyết về bổ sung cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương, điều chỉnh, bổ sung, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh cũng như các chính sách hỗ trợ cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024…
Trong năm 2024, vốn đầu tư công ngân sách tỉnh đã bố trí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phát triển miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đạt 981,947 tỷ đồng cho 168 dự án. Tính đến ngày 15/11/2024, tổng vốn đầu tư đã giải ngân đạt 624 tỷ đồng. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông kết nối liên vùng, kết nối vùng thấp với vùng cao, vùng động lực với vùng khó khăn, kết nối các KKT, KCN, góp phần phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Điển hình: Nâng cấp đường tỉnh 342 thuộc địa phận TP Hạ Long; đường nối từ QL279 tỉnh đến đường tỉnh 291 thuộc tỉnh Bắc Giang; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 327, đoạn nút giao cổng tỉnh đến đường trục chính trung tâm TP Đông Triều; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 338, đoạn từ nút giao đường dẫn cầu Bến Rừng đến QL18.
Năm 2024, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã triển khai sửa chữa, đầu tư xây dựng bổ sung cơ sở vật chất 183 hạng mục, công trình trường học, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Các địa phương trong tỉnh cũng bố trí vốn đầu tư lồng ghép các chương trình để xây dựng, sửa chữa, bổ sung 13 dự án, công trình thuộc lĩnh vực văn hóa, phục vụ nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân các vùng, miền trong tỉnh.
Toàn tỉnh cũng hoàn thành nâng cấp, cải tạo chất lượng hệ thống điện áp thấp, lưới điện có nguy cơ mất an toàn, hoàn thành giải quyết toàn bộ số hộ điện áp thấp với 1.338 hộ. Đồng thời, các địa phương cũng chủ động bố trí vốn đầu tư để sửa chữa, nâng cấp 16 dự án, công trình nước sạch với tổng kinh phí 81,108 tỷ đồng. Điển hình các công trình: Nước sinh hoạt tập trung xã Quảng Đức và hệ thống đường ống cấp nước sạch xã Quảng Phong (huyện Hải Hà); công trình nước tập trung thôn Pắc Cương, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu); công trình nước sạch thôn Khe Mười, xã Đại Dực (huyện Tiên Yên); nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt xã Ngọc Vừng và đầu tư đường ống cấp nước sạch trục chính vào trung tâm xã Bình Dân và Đài Xuyên (huyện Vân Đồn)… Các dự án, công trình đã và đang triển khai thi công, đáp ứng nhu cầu của người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Bà Trương Thị Lìu (xã Bình Dân, huyện Vân Đồn) cho biết: “Trước đây, gia đình sử dụng nước giếng khoan, nhiều lúc mưa lớn, nước đục, không đảm bảo vệ sinh. Từ ngày có đường ống nước kéo nước sạch về nhà, gia đình được sử dụng nước sạch ổn định, không lo mất nước, không lo mất vệ sinh nên mọi người rất yên tâm về sức khỏe”.
Ngoài ra, các địa phương tăng cường triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong năm 2024, tổng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ trên địa bàn tỉnh là 300 tỷ đồng. Các địa phương đã phân khai trên 12 tỷ đồng trực tiếp cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; còn 287,969 tỷ đồng, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chuyển ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện cho vay theo quyết định 33/2024/QĐ (ngày 13/8/2024) của UBND tỉnh. Đến nay, ngân hàng đã cho 2.960 lượt khách hàng vay với số tiền trên 260,11 tỷ đồng (vay theo lĩnh vực lâm nghiệp là 1.444 khách hàng; lĩnh vực thủy sản là 932 khách hàng; chăn nuôi là 494 khách hàng; sản xuất ngành nghề có 89 khách hàng). Nguồn vốn vay đã kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất ngay sau những thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách tín dụng tại địa bàn 64 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến ngày 1/10/2024, dư nợ cho vay tại các xã khu vực trên là 3.964 tỷ đồng với 30.491 khách hàng dư nợ. Tổng doanh số cho vay qua Ngân hàng CSXH đến 26/11/2024 là 1.879,2 tỷ đồng cho 26.380 lượt khách vay, tổng dư nợ 5.233,7 tỷ đồng với 75.761 khách hàng vay còn dư nợ.
Quyết liệt trong huy động, phân bổ nguồn vốn thực hiện chương trình miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH, giảm khoảng cách chênh lệch vùng, miền.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()