Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 04:13 (GMT +7)
Giao khu vực biển: Thúc đẩy nuôi trồng thuỷ sản theo chuỗi giá trị
Thứ 7, 22/07/2023 | 17:00:00 [GMT +7] A A
Năm 2022, sản lượng thủy sản của tỉnh đạt gần 161.000 tấn (tăng 7,2% so với năm 2021); giá trị sản xuất đạt trên 6.500 tỷ đồng (tăng gấp 1,4 lần so với năm 2016) và chiếm trên 44% giá trị toàn ngành Nông nghiệp. 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản đạt trên 89.700 tấn (bằng 105,5% cùng kỳ năm 2022). Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và một trong những nguyên nhân lớn nhất là việc giao biển cho các tổ chức, cá nhân tại các địa phương còn chậm.
Trước khi có Quyết định số 80/QĐ-TTg (ngày 11/2/2023) về quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quyết định số 80), công tác quản lý hoạt động nuôi biển tại các địa phương được thực hiện theo Quyết định số 4209/QĐ-UBND (ngày 15/12/2016) của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Quyết định 4209) với tổng diện tích nuôi nhuyễn thể và cá biển là trên 12.000ha. Thực hiện Quyết định 4209, 8/9 địa phương, đơn vị ven biển lập quy hoạch NTTS với diện tích gần 10.000ha (riêng TX Quảng Yên không quy hoạch NTTS).
Nhằm tích hợp vào Quy hoạch 80 của tỉnh và quy hoạch vùng của các địa phương, từ năm 2021, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại Quy hoạch ngành Thủy sản. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, qua rà soát quy hoạch diện tích NTTS biển cho thấy vấn đề này chưa được các địa phương thực sự quan tâm.
Qua mỗi lần rà soát lại phát sinh tăng diện tích, gây khó khăn cho công tác tổng hợp và gây hiểu nhầm trong dư luận. Mặt khác, nhận thức về quy hoạch chi tiết NTTS biển tại một số địa phương, đơn vị về trình tự cấp phép nuôi biển và giao biển để nuôi trồng chưa đúng, dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai. Phần lớn địa phương còn trông chờ vào hệ thống bản đồ theo Quyết định 80 về phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2025...
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, tháng 4/2023, Sở NN&PTNT đã cùng các địa phương xác định lại tổng diện tích nuôi biển là trên 47.700ha (tăng gần 36.000ha so với Quyết định số 4209). Các địa phương ven biển cũng xác định được các vùng, tiểu vùng có tọa độ khép góc và các đối tượng nuôi. Trong đó, diện tích quy hoạch trong 3 hải lý là gần 24.000ha (chiếm khoảng 50% diện tích); từ 3-6 hải lý là trên 15.500ha (chiếm 33% diện tích); ngoài 6 hải lý là gần 8.300ha (chiếm 17% diện tích).
Diện tích nuôi biển thời kỳ 2021-2030 đã rà soát kỹ theo tình hình thực tế của từng địa phương và cho thấy diện tích phát triển NTTS biển rất lớn (gấp gần 4 lần so với thời kỳ 2016-2020). Ngành Nông nghiệp cũng đã xác định được phần diện tích dự kiến giao cho người dân khoảng 80% và diện tích thu hút đầu tư chiếm khoảng 20%. Như vậy, đến nay, Quy hoạch tỉnh theo Quyết định số 80 đã bao gồm các quy hoạch về ngành Nông nghiệp, trong đó riêng quy hoạch thủy sản đã xác định được các vùng, tiểu vùng có tọa độ khép góc và các đối tượng nuôi, đủ điều kiện để các địa phương giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất NTTS.
Ghi nhận thực tế tính đến trung tuần tháng 7/2023, phần lớn các địa phương chưa tiến hành giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân.
Bà Đinh Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc HTX Vạn chài Hạ Long, cho biết: Giữa năm 2016, mô hình NTTS bền vững kết hợp du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long được triển khai tại khu vực làng chài Vung Viêng đã phần nào bù đắp cho sự thiếu hụt về sức hấp hẫn đối với du khách khi đến tham quan khu bảo tồn của làng chài sau chuyển đổi định cư. Có những tháng cao điểm, chúng tôi đón tới 22.000 lượt khách, chủ yếu khách nước ngoài. Giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm làng chài đón gần 150.000 lượt khách, tổng doanh thu từ dịch vụ thuyền nan, thuyền kayak đạt 5,5-5,7 tỷ đồng/năm. Nhờ có lượng khách ổn định nên HTX mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân từ 4-5 triệu đồng/tháng... Đặc biệt, khi mô hình được triển khai đã giải quyết việc làm cho 27 hộ trực tiếp tham gia NTTS trên 27 bè. Tuy nhiên, hiện các hộ NTTS đang đối mặt với nhiều khó khăn khi UBND TP Hạ Long đã có các quyết định thông báo về việc hết hạn sử dụng khu vực biển NTTS ở khu vực làng chài và thành phố cũng chưa quy hoạch vùng nuôi mới.
Trước thực tế trên, trong tháng 7/2023, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Hướng dẫn liên ngành để ban hành các biểu mẫu, trình tự, hồ sơ cấp phép nuôi biển, giao mặt nước biển, đăng ký mã cơ sở nuôi; tổ chức hướng dẫn các địa phương sản xuất theo mô hình HTX với hộ sản xuất quy mô dưới 1ha; hướng dẫn các tổ chức tham gia tổ chức sản xuất lớn hiện đại, dẫn dắt giá trị nuôi nhuyễn thể, cá biển, rong biển.
Sở NN&PTNT sẽ thành lập các đoàn công tác khi các địa phương tiến hành giao biển để hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC về hồ sơ, trình tự cấp phép nuôi, cấp mã NTTS nhằm đáp ứng cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hướng dẫn các địa phương sắp xếp nuôi biển theo hướng giảm diện tích vùng biển trong 3 hải lý gắn với đối tượng nuôi phù hợp, tập trung phát triển nuôi biển hợp lý trong vùng 3-6 hải lý trên cơ sở đánh giá sức tải môi trường biển và đẩy mạnh thu hút đầu tư nuôi công nghệ cao theo quy mô công nghiệp, sản xuất lớn theo chuỗi giá trị tại các vùng biển ngoài 6 hải lý.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Các địa phương cần sớm hoàn thành lập sơ đồ khu vực biển chi tiết, xây dựng kế hoạch hoặc Đề án giao khu vực biển, ưu tiên những khu vực thuận lợi, có khả năng nuôi trồng những loài thủy sản đặc hữu cho các hộ dân có nhu cầu theo hướng thành lập các HTX, tổ hợp tác tại từng khu vực nuôi. Từ đó đảm bảo tổ chức lại sản xuất NTTS theo chuỗi giá trị và phát triển bền vững.
Hoàng Nga
- Phát huy hiệu quả quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản
- 6 - là số vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh
- UBND tỉnh đánh giá kết quả thực hiện công tác nuôi trồng thủy sản; làm sạch môi trường biển và chuyển đổi vật liệu nổi
- Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào Mỹ lớn nhất
- Hạ Long: Cần sớm có quy hoạch nuôi trồng thủy sản
Liên kết website
Ý kiến ()