Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:50 (GMT +7)
Giao thông đi trước "đánh thức" tiềm năng vùng miền núi phía Bắc
Thứ 7, 31/07/2021 | 16:18:51 [GMT +7] A A
Nhiều ĐBQH cho rằng, cần ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông miền núi phía Bắc để "đánh thức" tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội ở đây.
Hạ tầng giao thông miền núi cần được đầu tư hơn nữa
Vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh, chiếm 28,8% diện tích cả nước với dân số 11,2 triệu người (chiếm 12,86% cả nước) đã được Đảng và Nhà nước nhận định là vùng có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của cả nước.
Tuy nhiên, mặc dù là khu vực có tiềm năng, thế mạnh về phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản và ngành nông nghiệp; có tiềm năng lớn về du lịch,... nhưng đặc thù nhiều đồi núi cao, đi lại khó khăn, nên việc phát triển kinh tế - xã hội nơi đây còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện khu vực này đã hoàn thành cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới; tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn...
Về hệ thống quốc lộ, trong vùng có 6.971km quốc lộ cơ bản đã được nâng cấp, hỗ trợ liên kết Hà Nội với các tỉnh, thành, giảm chênh lệch giữa các địa phương, hình thành các hành lang phát triển kinh tế trong vùng.
Nhưng diện tích vùng trung du và miền núi phía Bắc là rất lớn, đòi hỏi cần cần có thêm nhiều con đường huyết mạch để "khai phá" tiềm năng ở khu vực này hơn nữa.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ma Thị Thúy (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Chính phủ cần quan tâm bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao đi Hà Giang để kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, như vậy mới phát huy được hiệu quả toàn tuyến.
"Vì tuyến đường này chật hẹp, lưu lượng xe đông, thường hay xảy ra tai nạn giao thông. Nếu được đầu tư tuyến đường tốc độ cao sẽ phát huy lợi thế để phát triển liên vùng, phát triển du lịch cũng như khai thác được tiềm năng quỹ đất của các tỉnh miền núi, tăng cường giao thương hàng hóa của cả khu vực qua cửa khẩu Thanh Thủy của Hà Giang", bà Thúy cho hay.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) thì cho rằng, thực tế cho thấy, điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển của các tỉnh miền núi chính là hạ tầng giao thông.
"Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ kết nối khu vực miền núi, tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi có điều kiện kết nối liên vùng, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch, phát triển kinh tế cửa khẩu, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia", bà An nói.
Giao thông là động lực phát triển khu vực miền núi
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi thì giao thông vận tải phải đi trước một bước.
"Giao thông vận tải phát triển sẽ thúc đẩy sự giao lưu giữa các địa phương ở miền núi vốn với đồng bằng. Nhờ thế sẽ giúp phá được thế "cô lập", "tự cấp tự túc" của nền kinh tế miền núi", đại biểu Hòa nói.
Theo ông Hoà, các tài nguyên khoáng sản, nông, lâm trường và nhiều tài nguyên thế mạnh to lớn khác tập trung ở vùng núi. Nếu tình hình giao thông được cải thiện, sẽ giúp việc khai thác, phát triển sản phẩm tốt hơn, giá thành và chất lượng hàng hoá tốt hơn khi cung đường vận chuyển ngắn lại, thuận lợi; đồng thời thu hút những nhà máy chế biến, đưa công nghệ đến với khu vực miền núi.
"Cơ sở hạ tầng giao thông phát triển sẽ là bước đệm cho nền kinh tế - xã hội phát triển, từ đó cải thiện đời sống cho người dân ở đây. Miền núi nước ta thường là nơi sinh sống của phần đông bà con dân tộc thiểu số. Việc phát triển giao thông vận tải cũng là một trong bốn tiêu chí "điện, đường, trường, trạm" để phát triển và nâng cao đời sống của người dân miền núi”, ông Hòa nói.
Theo atgt.vn
Liên kết website
Ý kiến ()