Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 23:10 (GMT +7)
Giao xe cho người khác mà gây tai nạn, chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm
Thứ 4, 20/12/2023 | 16:41:28 [GMT +7] A A
Nhiều chủ xe ôtô khi đi rửa xe, đi ăn uống thường giao chìa khóa cho nhân viên rửa xe hay nhân viên bảo vệ lái đi mà không biết họ có bằng lái xe hay không. Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra khi chủ xe giao xe cho người khác lái.
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh chủ phương tiện sau khi ra khỏi cabin thường giao xe cho nhân viên bảo vệ tại nhà hàng, khách sạn, nhân viên rửa xe, kỹ thuật viên đang làm việc tại các cơ sở này. Sẽ không có gì xảy ra nếu như người được giao xe đó có đủ điều kiện để điều khiển các phương tiện này, cũng như không gây thiệt hại.
Gần đây, có nhiều trường hợp “dở khóc, dở cười” xảy ra khi có những vụ tai nạn gây thiệt hại về sức khỏe, về tài sản cho chủ phương tiện cũng như những người khác trong trường hợp chủ xe giao cho nhân viên chiếc xe của mình. Vậy trách nhiệm của những người liên quan sẽ như thế nào?
Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Dương Văn Mai (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trước hết về trách nhiệm của người điều khiển ôtô, là người trực tiếp điều khiển phương tiện gây ra thiệt hại thì sẽ là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm với các hậu quả đã xảy ra. Có thể là trách nhiệm hành chính (bị xử phạt vi phạm hành chính), trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thậm chí là trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào hậu quả đã xảy ra.
Về trách nhiệm hành chính, nếu người điều khiển ôtô không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng điều khiển xe không thuộc hạng xe, loại xe được quy định tại giấy phép lái xe… sẽ phải đối mặt với việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 9 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP: Đối với người điều khiển ôtô, máy kéo hay các loại xe tương tự ôtô: phạt tiền từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng.
Về trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ xe với tư cách là chủ sở hữu tài sản liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do phương tiện thuộc sở hữu của mình gây ra.
Trường hợp người được giao xe gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường theo quy đinh tại Điều 601, Bộ luật Dân sự năm 2015 với tư cách là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ.
Thậm chí chủ phương tiện còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Về trách nhiệm bồi thường của người được giao phương tiện với chủ phương tiện trong việc khắc phục các thiệt hại xảy ra thì chủ cơ sở kinh doanh và người lao động đó sẽ phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 600, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo luật sư Mai, để đảm bảo an toàn, chủ phương tiện chỉ giao xe cho người có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe, hạng xe của mình, trước khi giao xe có thể yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe bởi nhiều người biết lái xe nhưng cũng không có giấy phép phù hợp.
Chủ cơ sở kinh doanh phải có quy định về trách nhiệm người lao động nếu họ nhận điều khiển xe ôtô, phương tiện giao thông vào bãi, ra khỏi bãi gửi xe...
Đối với người lao động thì tuyệt đối không được điều khiển phương tiện giao thông khi không có giấy phép lái xe đúng với loại xe mình được giao.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()