Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:07 (GMT +7)
Phát huy giá trị văn hoá gia đình
Chủ nhật, 27/06/2021 | 16:41:32 [GMT +7] A A
Chúng ta vẫn thường nói mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, là nơi đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành nên nhân cách của con người. Khi gia đình đoàn kết thì xã hội mới có thể phát triển. Từ những điều đó mà ngày Gia đình Việt Nam được ra đời.
Ngày Gia đình Việt Nam được xuất phát từ truyền thống đạo lý ngàn năm của dân tộc ta. Những thư tịch, truyện kể dân gian truyền lại cho thấy rằng các danh nhân, anh hùng đều có điểm chung là sự nuôi dưỡng, giáo dục từ phía gia đình của chính mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật hôn nhân và Gia đình, tổ chức ngày 10/10/1959, Bác đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Ghi nhớ và làm theo lời Bác, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TT quyết định lấy ngày 28/6 hằng năm làm ngày Gia đình Việt Nam.
Tùy vào mỗi năm mà ngày 28/6 sẽ có một chủ đề mang những thông điệp ý nghĩa khác nhau. Ngày 28/6 năm 2021 là kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chọn chủ đề là “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” với mong muốn rằng sẽ tạo ra sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đồng thời biểu dương những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác gia đình, đặc biệt những người làm công tác gia đình ở cộng đồng.
Vào ngày Gia đình Việt Nam bạn nên làm gì? Có lẽ việc quan trọng nhất mà chúng ta cần làm chính là dành thời gian cho gia đình của mình, tăng tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Trong xã hội hiện đại, phát triển như ngày nay, những gia đình “tứ đại đồng đường” cùng chung một mái nhà còn không nhiều. Ngay cả nhiều bậc làm cha mẹ, chừng nào còn lo được thì nhiều người cũng thích ở riêng, ăn riêng, không muốn phụ thuộc kinh tế vào con cái. Với các gia đình trẻ, nhất là ở các đô thị cũng thích tự do hơn trong sinh hoạt, ăn uống, du lịch, hoạt động thể thao, nuôi dạy con…
Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội như ngày nay, việc kết nối các thành viên gia đình rất dễ dàng, thuận lợi. Qua zalo, qua messenger, facebook, mọi người có thể liên lạc trực tuyến với nhau dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này. Nhiều gia đình xây dựng nhóm zalo kết nối các người thân. Cha mẹ dễ dàng hỏi thăm con cháu và ngược lại, khi lâu không có điều kiện về quê, con cái cũng dễ dàng hỏi thăm sức khoẻ, tình hình gia đình của ông bà, cha mẹ. Cũng qua mạng xã hội, những chia sẻ của cộng đồng, nhiều người làm cha, làm mẹ có thêm những kiến thức, kinh nghiệm trong chăm sóc, giáo dục con cái, ứng xử hiếu lễ với cha mẹ, ông bà; hiểu hơn để mà nâng niu, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Trong năm 2020 và từ tháng 4/2021 trở lại đây, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, gia đình lại càng có vai trò, ý nghĩa hơn trong công tác phòng chống dịch. Mỗi người dân, mỗi gia đình có ý thức trong bảo vệ mình, bảo vệ gia đình là đã góp phần bảo vệ an toàn cho cộng đồng. Chính bởi vậy, để phòng chống dịch Covid- 19, Ngày Gia đình Việt Nam năm 2021 còn được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa thêm thông điệp "Mỗi gia đình là một mặt trận nòng cốt phòng ngừa Covid", góp phần cùng cả nước đẩy lui dịch Covid -19.
Cuộc sống hôm nay đang ngày một phát triển. Như một quy luật, cuộc sống gia đình, bên cạnh tiếp thu những cái mới, hiện đại thì cũng có không ít cái truyền thống bị phai nhạt. Bởi vậy, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá gia đình Việt Nam, trân trọng và giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta để lại là vô cùng cần thiết, là ngọn lửa để duy trì hạnh phúc.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()