Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 07:16 (GMT +7)
Giới khoa học đề xuất dùng thịt trăn thay thế thịt bò, lợn và gia cầm
Chủ nhật, 17/03/2024 | 09:08:46 [GMT +7] A A
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Scientific Reports, thịt trăn là giải pháp thay thế “linh hoạt và hiệu quả” cho thịt vật nuôi thông thường.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trăn cực kỳ phù hợp với điều kiện chăn nuôi thương mại. Chúng phát triển nhanh, trưởng thành mất khoảng 3 năm và sở hữu khả năng sinh sản cao: đẻ gần 100 quả trứng trong vòng 20 năm.
Hơn nữa, thịt trăn chứa hàm lượng protein cao và ít chất béo bão hòa (một chất béo xấu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tắc nghẽn mạch máu,...). Về mùi vị, thịt trăn được mô tả là rất giống với thịt gà.
Nuôi trăn lấy thịt vốn là một hoạt động lâu đời tại nhiều nước ở châu Á, nơi một số loài trăn như trăn gấm (Malayopython reticulatus) và trăn Miến Điện (Python bivittatus) có số lượng lớn.
Để tìm hiểu về tính thực tiễn của mô hình nuôi trăn lấy thịt, các nhà nghiên cứu đến từ Trường đại học Macquarie và Đại học Oxford đã nghiên cứu hơn 4.600 con trăn tại 2 trang trại ở Đông Nam Á.
Một trang trại nằm ở tỉnh Uttaradit, miền trung Thái Lan và một trang trại khác gần TP.HCM.
Những con trăn được nuôi nhốt trong hệ thống chuồng trại đơn giản, thông thoáng. Chế độ ăn của chúng gồm một số loài gặm nhấm bắt ngoài tự nhiên cùng xúc xích làm từ chất thải thực phẩm do trang trại tự làm.
Kết quả là dù chỉ được cho ăn 1 lần mỗi tuần nhưng những con trăn đã tăng tới 46g mỗi ngày. Trong đó loài trăn Miến Điện cứ 4,1g thức ăn tiêu thụ cho ra 1g thịt - hiệu quả hơn rất nhiều so với những loài vật nuôi khác.
Tiến sĩ Daniel Natusch, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Các loài bò sát máu lạnh biến thức ăn thành thịt và mô cơ thể hiệu quả hơn mọi sinh vật máu nóng”.
Quan trọng hơn là mô hình trang trại nuôi trăn tạo ra ít khí nhà kính hơn so với trang trại nuôi động vật máu nóng thông thường như bò, lợn và gia cầm.
Kể cả khi trăn bỏ bữa, chúng vẫn không bị sụt giảm cân nặng quá nhiều. Nhóm nghiên cứu phát hiện khối lượng cơ thể của 61% trăn Miến Điện không ăn gì trong khoảng thời gian từ 20 đến 127 ngày giảm rất ít.
Một điểm cộng nữa là những con trăn tiêu thụ cực kỳ ít nước.
“Trăn, rắn nói chung cần rất ít nước, thậm chí chúng có thể sống chỉ nhờ vào sương đọng trên vảy vào buổi sáng. Chúng cũng cần rất ít thức ăn và thường ăn những loài gặm nhấm hoặc gây hại khác tấn công cây trồng. Về mặt lịch sử, chúng còn là một món ngon ở nhiều nơi”, ông Natusch nói thêm.
Những lợi ích quá rõ ràng này khiến nhóm nghiên cứu tin rằng các quốc gia nên xem xét việc nuôi trăn thương mại. Đây có thể là một dự án kinh doanh phù hợp đối với những nước có thu nhập thấp và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực, protein.
“Biến đổi khí hậu, bệnh tật và suy giảm tài nguyên thiên nhiên đang gia tăng áp lực lên vật nuôi và cây trồng truyền thống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều người dân và các nước thu nhập thấp vốn bị thiếu hụt protein trầm trọng”, vị tiến sĩ chia sẻ.
Trên thực tế, ý tưởng nuôi trăn lấy thịt quy mô lớn khó có thể phát triển tại Bắc Mỹ, châu Âu hoặc châu Úc.
Giáo sư Rick Shine, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định: “Tôi nghĩ sẽ còn rất lâu nữa bạn mới thấy bánh mì kẹp thịt trăn được phục vụ tại nhà hàng địa phương yêu thích của mình”.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()