Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 04/01/2025 06:26 (GMT +7)
Giữ bình ổn thị trường sau tăng lương
Thứ 3, 30/07/2024 | 05:45:10 [GMT +7] A A
Gần 1 tháng kể từ khi lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, lương hưu tăng 15%, lương tối thiểu vùng cũng tăng từ 200.000 lên 280.000 đồng, thị trường sau tăng lương không có nhiều biến động, giá cả được giữ ở mức khá ổn định. Hiện, ngành Công thương Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đảm bảo kiểm soát và bình ổn thị trường.
Gần 1 tháng đã trôi qua kể từ thời điểm tăng lương, giá cả thị trường vẫn cơ bản giữ được mặt bằng chung ổn định. Các mặt hàng như rau, gạo, dầu, sữa… không có dấu hiệu “đội giá” như nhiều phỏng đoán. Chỉ trừ duy nhất một mặt hàng có sự biến động tăng giá được ghi nhận rõ ràng là thịt lợn. Tuy nhiên, điều này xuất phát từ nguyên nhân dịch bệnh tả lợn châu Phi lây lan trong cả nước gây ra tình trạng giảm nguồn cung, chứ không phải do “ăn theo” lương tăng.
Bà Nguyễn Thị Lan, tiểu thương chợ Hạ Long I, (TP Hạ Long), cho biết: Hiện tại chúng tôi nhập vào đã là 70.000 đồng/kg thịt lợn hơi, thịt mông, vai là 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ là 140.000 đồng/kg… Giá cả biến động như này không phải là sau thời điểm tăng lương mà từ thời điểm cuối tháng 6 liên quan đến vấn đề dịch tả lợn khiến lợn chết nhiều, nhiều nhà lo sợ nên cũng không tái đàn, nguồn cung ít hơn nên giá cũng cao hơn. Theo kinh nghiệm buôn bán của chúng tôi thì chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát thì giá thịt lợn cũng giảm.
Không chỉ riêng các mặt hàng thiết yếu, theo đánh giá sơ bộ, hiện, hàng hoá trên địa bàn tỉnh vẫn rất phong phú, đa dạng, nhiều mặt hàng có cùng lúc nhiều nhà sản xuất, phân phối kể cả trong và ngoài nước. Hàng hoá sản xuất nội tỉnh, nhất là các mặt hàng nông sản, OCOP cũng đã có mặt trên nhiều kênh phân phối lớn. Thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng tích cực và trở thành ưu tiên của nhiều người. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng vẫn đang được triển khai. Như tại siêu thị Go! Hạ Long, hiện đang “chạy” song song nhiều chương trình như “2000 sản phẩm luôn luôn rẻ hơn”, “giảm 5% cho khách hàng có thẻ thành viên”… Điều này cũng góp phần trong điều tiết giá cả thị trường, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn các sản phẩm trong tầm mức giá phù hợp với túi tiền của mình.
Bà Nguyễn Thị Hưng, phường Hồng Gai, TP Hạ Long, chia sẻ: Tôi về hưu năm 2014, đang được hưởng mức lương hưu là 6 triệu đồng. Lần tăng lương này, tôi được lĩnh thêm khoảng 900.000 đồng. Dù không phải nhiều nhưng sự chênh lệch này trong bối cảnh giá cả bình ổn, không bị đội giá theo lương như hiện nay, cũng giúp chi tiêu sinh hoạt gia đình tôi có phần dễ dàng, đầy đủ hơn.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quảng Ninh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước 6 tháng đầu năm 2024 tăng 13,1% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2023 và chiếm tỷ trọng 58,7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Một số nhóm hàng hóa tăng cao: Lương thực thực phẩm tăng 12,4%; đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 14,3%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 36,9%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 21,1%; xăng, dầu các loại tăng 13,5%... Những con số này xuất phát từ tình hình kinh tế của tỉnh có nhiều thuận lợi, các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển khá, hầu hết các đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ghi nhận sự tăng trưởng cao từ lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm.
Theo như phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, việc tăng lương lần này được thực hiện sau khi Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng kiểm soát lạm phát. Chính phủ hướng tới, mức tăng lương lần này có thể giúp cải thiện đời sống của người lao động. Đồng nghĩa với việc Chính phủ đang theo dõi chặt chẽ thị trường để có những biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương cho hay: Ngay khi có thông tin về tăng lương, chúng tôi đã làm việc với nhiều đầu mối, cơ sở cung cấp hàng hoá, các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn, khuyến nghị về việc gia tăng nguồn cung để đảm bảo duy trì giá; đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm hàng hoá sản xuất nội địa của Quảng Ninh ra thị thường, tham gia vào các kênh phân phối lớn để tăng tính tiếp cận với người tiêu dùng… Nhờ đó, đến nay, giá cả thị trường vẫn được duy trì cơ bản ổn đinh.
Hiện ngành Công thương cũng đang bám sát thị trường, không để mất cân đối cung cầu, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa. Đồng thời cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi như đầu cơ, tích trữ, găm hàng, thổi giá… nhất là trong các dịp lễ, tết từ nay đến cuối năm.
Nguyễn Trang
Liên kết website
Ý kiến ()