Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:12 (GMT +7)
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Thứ 7, 08/01/2022 | 14:41:49 [GMT +7] A A
Thời gian qua, bên cạnh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số ( DTTS), các ngành, địa phương trong tỉnh rất quan tâm đến nhiệm vụ bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Được thành lập từ năm 2014 với 21 thành viên, CLB Hát đối người Dao Thanh Y xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ) đã trở thành điểm hẹn sinh hoạt văn hóa tinh thần của nam, nữ người Dao Thanh Y của địa phương đam mê ca hát. Đều đặn 2 buổi/tuần, các thành viên CLB tập hợp, cùng luyện tập các bài hát của dân tộc mình. Đó là những bài hát do họ tự sáng tác, thể hiện tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước, ngợi ca Đảng, Bác Hồ... Lời bài hát thường giản dị, làn điệu gần gũi, nhưng lại ẩn chứa nhiều ý tứ, mang đậm bản sắc đồng bào dân tộc Dao Thanh Y.
Ông Phùn Văn Thắng, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: Từ khi CLB được thành lập, phong trào văn hóa, văn nghệ của xã phát triển hơn trước rất nhiều. Các thành viên CLB tham gia rất nhiều các hoạt động văn nghệ quần chúng, như các dịp cưới hỏi, lễ cấp sắc, hội làng cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Từ những hoạt động này giúp chúng tôi bảo tồn và phát huy được nét đẹp của dân tộc mình.
Trên địa bàn huyện Ba Chẽ còn nhiều CLB văn hóa, như: CLB Hát Soóng cọ các xã Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn; CLB thêu thổ cẩm các xã Đạp Thanh, Đồn Đạc; CLB hát Then, đàn Tính xã Đạp Thanh; CLB hát đối xã Đồn Đạc. Hoạt động của các CLB này đã góp phần duy trì, phát huy những nét đẹp văn hóa ngôn ngữ, lời ca, tiếng hát, điệu nhạc, trang phục, phong tục tập quán... của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Các địa phương trong tỉnh có đồng bào DTTS sinh sống, việc gìn giữ, phát huy bản sắc các dân tộc đều được chú trọng. Huyện Bình Liêu có đến 96% người dân là DTTS với 9 dân tộc anh em cùng chung sống. Để giữ gìn trang phục truyền thống của đồng bào DTTS, từ năm 2019 huyện đã phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh trên địa bàn mặc đồng phục và trang phục truyền thống dân tộc trong cơ quan, trường học 2 ngày/tuần và vào các ngày lễ hội, các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong ý thức của cán bộ, học sinh và người dân về giữ gìn, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc; đồng thời tạo nét đẹp văn hóa.
Huyện Tiên Yên hằng năm đều tổ chức các lễ hội văn hóa - thể thao dân tộc Sán Chỉ, Tày, Dao, Sán Dìu..., tái hiện nhiều hoạt động vui chơi, ca hát, thể thao, ẩm thực, tín ngưỡng của đồng bào DTTS trên địa bàn. Qua đó làm sống lại những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào; đồng thời tạo điểm nhấn thu hút du khách, phát triển du lịch cộng đồng.
Các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh cũng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch "tiếp sức" cho các địa phương, đồng bào DTTS lưu giữ, phục dựng, phát huy bản sắc của dân tộc mình. Tiêu biểu như ngành VH&TT tỉnh đã xây dựng Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng cơ chế, chính sách về bảo tồn, khôi phục và phát huy những môn thể thao dân tộc... Ban Dân tộc tỉnh xây dựng đề án xây dựng làng DTTS tại các địa phương Móng Cái, Vân Đồn, Bình Liêu. Mới đây, Ban Dân tộc tỉnh đã cho xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về văn hóa, luật tục của đồng bào dân tộc Sán Chỉ, Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của các DTTS trong tỉnh.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()