Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:29 (GMT +7)
Giữ gìn văn hóa truyền thống Tết Việt
Chủ nhật, 28/01/2024 | 10:42:39 [GMT +7] A A
Trong tâm thức người Việt, Tết Nguyên đán luôn có vai trò quan trọng và thiêng liêng. Đây là tiết lễ đầu tiên, khởi đầu cho một năm mới với bao niềm tin và hy vọng. Bởi vậy, trải qua thời gian, những phong tục, tập quán đón Tết cổ truyền xưa của người Việt luôn giữ được nét truyền thống, đặc sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Nâng niu nét đẹp văn hóa ngàn đời
Mỗi vùng miền, mỗi địa phương đều có những nét văn hóa đặc trưng của ngày Tết Nguyên đán, song những tục như xông đất, đi lễ cầu may, xin lộc, chúc Tết, mừng tuổi... thì ở đâu cũng giống nhau. Mỗi phong tục đều mang một nguồn gốc, ý nghĩa tâm linh riêng song đều hướng đến những giá trị cao đẹp được gìn giữ và lưu truyền từ ngàn đời nay. Gửi gắm trong đó là những mong muốn mang lại những điều may mắn, an lành trong năm mới cho mọi người, mọi nhà.
Nói đến Tết xưa thì không thể thiếu được “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Phong vị Tết Việt đã hiện rõ trong đó. Từ món ăn để thờ cúng, ăn uống trong dịp đầu xuân (bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành) đến những thứ thuộc về văn hóa (câu đối), tâm linh (cây nêu trừ ma quỷ), vui chơi (tràng pháo) đều có đủ. Thật vậy, mỗi dịp Tết đến, xuân về thì dù bận bịu đến mấy, hay thiếu thốn đến đâu, bằng cách này hay cách khác, người người, nhà nhà đều cố gắng chuẩn bị cho gia đình mình một cái Tết đủ đầy, tươm tất theo nếp văn hóa xưa.
Từ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình đã tất bật dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, chuẩn bị lễ cúng ông Công, ông Táo với mâm cơm cùng chú cá chép để tiễn các ông về trời. Đầm ấm nhất là phút giây cả nhà cùng nhau gói bánh, quây quần bên bếp lửa, hàn huyên tâm sự về những buồn vui năm qua. Niềm hạnh phúc đong đầy ấy tiếp tục lan tỏa trong bữa cơm tất niên chiều 30 Tết, trong sự háo hức cùng nhau đón chào khoảnh khắc giao thừa.
Ngày mùng 1 đầu năm, các gia chủ sẽ lựa chọn những người hợp tuổi chủ nhà để xông đất, để mong có được nhiều may mắn, bình an về sức khỏe hay công việc. Bên cạnh đó, nhiều người cũng sẽ chọn ngày đẹp để xuất hành những chuyến đi lễ đầu năm, là một nét đẹp tâm linh đã in sâu vào đời sống văn hóa của người Việt.
Không chỉ trong mỗi gia đình, những năm trở lại đây, các trường học cũng quan tâm tổ chức các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm để học sinh được tham gia, hòa mình vào không gian, không khí Tết cổ truyền. Giám đốc Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh Bùi Thị Vân Anh cho biết: Thông qua các hoạt động trải nghiệm Tết truyền thống được tổ chức dịp trước Tết Nguyên đán, như: Gói bánh chưng, làm tò he, viết chữ thư pháp, chơi các trò chơi dân gian... rất gần gũi, ý nghĩa, chúng tôi mong muốn giúp các bạn nhỏ có hình dung đầy đủ hơn, trân trọng và hiểu hết về văn hóa Tết cổ truyền nói riêng và ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc nói chung.
Tết về cũng là cơ hội để những người con xa xứ, từ khắp năm châu bốn bể trở về với quê hương, để đón không khí Tết cổ truyền của dân tộc.
Anh Đặng Thái Hoàng, người Quảng Ninh sinh sống tại Australia, chia sẻ: Ở nước ngoài, nỗi nhớ nhà của những người xa quê luôn xuyến xao, thường trực, đặc biệt là mỗi dịp Tết Nguyên đán. Năm nào gia đình tôi không có điều kiện về nước, vợ chồng tôi luôn cố gắng tái hiện lại đầy đủ nhất những phong tục tập quán ngày Tết như bày mâm ngũ quả, nấu những món ăn truyền thống, mặc áo dài, trao tặng nhau lì xì và lời chúc mừng năm mới để các con có được những trải nghiệm chân thực về phong vị Tết cổ truyền Việt Nam. Đó là cách tôi chọn để gìn giữ, nhắc nhở con dù ở đâu cũng sẽ nhớ về nguồn cội của mình, vun đắp trong mỗi đứa trẻ tình yêu dành cho gia đình, quê hương, đất nước.
Vẹn tròn nghĩa tình sẻ chia
Tết đến cũng là cơ hội để mọi người cùng lan tỏa trao gửi những yêu thương, sẻ chia, cầu chúc những điều an lành, may mắn. Bởi vậy, trước mỗi dịp Tết đến, công tác chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn luôn được các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quan tâm thực hiện.
Tết năm nay cũng vậy, ngay từ đầu tháng 1/2024, rất nhiều đơn vị, tập thể đã tổ chức các chuyến thiện nguyện đến với những vùng sâu, vùng xa của tỉnh để tận tay trao gửi đến những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn những món quà Tết yêu thương, ấm áp. Qua đó, góp phần mang Tết đến với mọi nhà, động viên những người yếu thế có thêm động lực, niềm tin để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Theo đó, Ủy ban MTTQ tỉnh trích nguồn quỹ “Vì người nghèo”, đồng thời huy động các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trao tặng trên 1.100 suất quà đảm bảo kế hoạch đề ra cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán. Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh đã vận động và trao quà Tết tại 4 địa phương Hạ Long, Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên, tổng trị giá 409,4 triệu đồng, trong đó có 862 áo ấm và 30 chăn ấm, 200 suất quà Tết và 5 tạ gạo. Dự kiến, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh sẽ trao khoảng 1.900 suất quà Tết, tổng trị giá gần 800 triệu đồng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Vừa qua, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh và đại diện Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn VinGroup) đã trao tặng 1.000 suất quà với tổng trị giá 600 triệu đồng cho những đối tượng là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, tại 4 địa phương gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái và Quảng Yên.
Cùng với đó, hình ảnh những phiên “Chợ Tết 0 đồng”, “Chợ Tết nhân ái” được tổ chức tại một số địa phương như Móng Cái, Hải Hà với hàng trăm mặt hàng là đồ gia dụng, thực phẩm thiết yếu cũng đã góp phần mang đến một cái Tết thêm ấm áp, vui tươi cho những người có hoàn cảnh khó khăn để mọi người, mọi nhà đều được đón Tết đủ đầy.
Các đơn vị Đoàn, đơn vị bộ đội trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức các chương trình “Tuổi trẻ với mùa xuân biên giới”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” tại các đơn vị bộ đội đóng quân tại địa phương biên giới, hải đảo, để mang hương vị Tết đến thật gần, gửi gắm tình cảm, niềm tin yêu của nhân dân đến với những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trực Tết - những người vẫn đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ sự bình yên của nhân dân và đất nước.
Một mùa xuân nữa lại về, ngày Tết cổ truyền cũng đang chạm dần nơi góc phố, hiên nhà mang theo biết bao hy vọng, những điều an lành, tốt đẹp. Trải qua những thăng trầm của thời cuộc đã có những giá trị thay đổi, nhưng những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền mãi luôn trường tồn. Những giá trị đó đã góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, cộng đồng.
Nguyễn Dung
- Đẩy mạnh kích cầu, thu hút du khách dịp Tết Nguyên đán
- Tặng quà Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn tại xã Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn)
- Tăng cường đảm bảo ANTT trong dịp Tết
- Rộn ràng làng hoa Tết
- Chăm lo Tết Nguyên đán cho nhân dân vui tươi, lành mạnh, ấm no, hạnh phúc và an toàn hơn
- Chủ động nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết
Liên kết website
Ý kiến ()