Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 07:55 (GMT +7)
Giữ vững thương hiệu Quảng Ninh "giàu có, sạch đẹp"
Thứ 2, 10/04/2023 | 10:17:58 [GMT +7] A A
Kiên trì với mục tiêu phát triển bền vững, những năm qua Quảng Ninh luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển KT-XH. Sự kiên trì này đã giúp cải thiện đáng kể những vấn đề môi trường có tác động trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Do đó, năm 2020 và 2021, Quảng Ninh đều nằm trong tốp 10 và tốp 5 các địa phương dẫn đầu cả nước về bảo vệ môi trường theo đánh giá của Bộ TN&MT. Năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục có nhiều chuyển động, cách làm mới trong bảo vệ môi trường để xây dựng, giữ vững thương hiệu Quảng Ninh “giàu có, sạch đẹp”.
Với đặc thù là tỉnh có hoạt động khai thác than, khoáng sản, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý khoáng sản, tài nguyên than trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 9/5/2019 và trước đó là Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/1/2014).
Các nghị quyết đều xác định tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản, nhưng vẫn phải đồng bộ với bảo vệ môi trường, cảnh quan, phát triển du lịch, dịch vụ. Vì vậy, tỉnh đã yêu cầu ngành than phải hoàn thành dứt điểm các dự án hoàn nguyên, phục hồi môi trường tại những khu vực khai thác than. Đồng thời đưa công nghệ mới vào vận chuyển, khai thác than như: Xây dựng băng tải giảm thiểu bụi, tiếng ồn; hoạt động vận chuyển than được thực hiện trên tuyến đường chuyên dụng theo quy định, không vận chuyển trên các tuyến quốc lộ; tất cả các trạm xử lý nước thải mỏ đều được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Đến nay 100% nước thải mỏ được ngành than xử lý theo đúng quy định.
Ðể xanh hóa hoạt động sản xuất, các đơn vị ngành than đã đẩy mạnh công tác trồng cây phủ xanh, cải tạo phục hồi môi trường những diện tích kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản. Hiện tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường của TKV tại Quảng Ninh là hơn 1.500ha. Giai đoạn 2017-2022, ngành than thực hiện 36 dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích trên 376ha (chỉ bằng 1/4 diện tích ngành than đã trồng rừng hoàn nguyên bảo vệ môi trường); toàn bộ diện tích chuyển đổi là rừng trồng, không có rừng tự nhiên. Đặc biệt, TKV đang nghiên cứu thực hiện xanh hoá bãi thải mỏ bằng các loài cây gỗ lớn, bản địa lâu năm để ổn định bền vững môi trường các khu vực sản xuất, kết hợp lấy gỗ làm trụ mỏ phát triển kinh tế rừng.
Hướng tới mục tiêu người dân được hưởng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới, năm 2022 Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo vệ môi trường (Nghị quyết số 10-NQ/TU ban hành ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030).
Mục tiêu của nghị quyết nhằm ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; chủ động và tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải, các-bon thấp, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng ban hành 3 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 6 kế hoạch, 6 quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường. Các sở, ban, ngành, UBND các địa phương ban hành nhiều kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện và văn bản hướng dẫn. Việc xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo đều được thực hiện trên cơ sở bám sát các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, các văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng như các chỉ đạo của Bộ TN&MT và đều mang tính định hướng chuyên sâu, theo lộ trình thực hiện đồng bộ, góp phần vào nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần thu hút đầu tư, du lịch, phục vụ phát triển bền vững KT-XH của tỉnh.
Đến nay, công tác kiểm soát môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều bước chuyển biến tích cực đi vào thực tiễn, kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý các “điểm nóng” môi trường mà dư luận quan tâm. Các địa phương cũng tích cực thực hiện việc di dời những cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Hiện 100% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; 100% KCN có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 96,2%; 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý; 98% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch; 99,6% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ hoạt động du lịch giảm 90%; tỷ lệ thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi bền vững của các công trình nổi trên Vịnh Hạ Long đạt 94%.
Chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh năm 2022 đã cơ bản được cải thiện so với những năm trước. Tại 10/13 địa phương (Uông Bí, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái) có chất lượng không khí tốt, các thông số quan trắc như: Bụi lơ lửng, tiếng ồn TB, khí SO2, NO2, O3 và CO đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn địa phương và Quy chuẩn Việt Nam. Tại 3 địa phương còn lại (Đông Triều, Hạ Long và Cẩm Phả) hàm lượng bụi lơ lửng, độ ồn nhiều vị trí ghi nhận đã giảm so với những năm trước.
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Mặc dù công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển động mạnh mẽ, chất lượng môi trường sống của người dân ngày càng nâng lên, tuy nhiên trước sự phát triển của các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ vẫn tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường. Nhất là đối với các dự án xi măng, nhiệt điện, KCN, các dự án sản xuất kinh doanh ven biển. Cùng với đó là diễn biến phức tạp của thời tiết và tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, Sở sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, nhất là nước thải công nghiệp tại các khu vực nhạy cảm, có nhiều hoạt động KT-XH đan xen đa dạng như: Vịnh Hạ Long, vịnh Cửa Lục, vịnh Bái Tử Long, KKT ven biển Quảng Yên, KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái, KCN Cảng biển Hải Hà, các CCN, khu vực đô thị, những nơi có hoạt động sản xuất than, xi măng, nhiệt điện. Đồng thời cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào chống rác thải nhựa.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()