Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 22:57 (GMT +7)
Gỡ khó cho người nuôi trồng thuỷ sản
Thứ 3, 08/10/2013 | 05:21:11 [GMT +7] A A
Đầu năm 2012, nhiều cơ sở, hộ dân nuôi tu hài trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở huyện Vân Đồn đã bị điêu đứng vì dịch bệnh xảy ra đối với loại vật nuôi này. Chỉ trong một thời gian ngắn diễn ra dịch bệnh, đã làm chết hơn 200 triệu con giống cấp 2, gây thiệt hại về kinh tế khoảng 200 tỷ đồng cho các cơ sở và hộ nuôi. Bị “cơn bão” dịch bệnh tràn qua, nhiều hộ nuôi trở nên trắng tay, ôm những món nợ không nhỏ đối với ngân hàng và người cho vay mà không biết đến khi nào mới trả được. Cả vùng nuôi tu hài ở Vân Đồn vốn tự hào là trung tâm phát triển, nuôi trồng, cung cấp tu hài thương phẩm cho nhiều nơi trong và ngoài tỉnh bao trùm không khí ảm đạm, chán chường, lo lắng...
Trước thực trạng thiệt hại nặng nề đó, để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các hộ nuôi có thể khôi phục được sản xuất, UBND tỉnh đã có quyết định quy định chính sách hỗ trợ giống tu hài nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Theo quy định, mức hỗ trợ được tính trên số lượng con giống nuôi thả bị thiệt hại. Cụ thể, đối với hộ gia đình cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, nếu thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 200 đồng/con giống; đối với doanh nghiệp, hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ cho hộ gia đình. Và điều kiện để được hỗ trợ là các hộ phải có hoá đơn chứng từ mua bán con giống hoặc giấy kiểm dịch con giống thuỷ sản của cơ quan có thẩm quyền...
Mặc dù chủ trương, quy định đã có, nhưng tính đến cuối tháng 3-2013 vừa qua, tức là sau khoảng 1 năm xảy ra dịch bệnh, qua thẩm định cơ quan chức năng xác định chỉ có hơn 30 bộ hồ sơ (đều ở Vân Đồn) đủ điều kiện hỗ trợ, còn lại hàng trăm bộ hồ sơ không đủ điều kiện, trong đó có cả các hộ ở Cẩm Phả, Hạ Long. Bởi vậy đến thời điểm này, nguồn kinh phí hỗ trợ vẫn chưa giải ngân được. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do hầu hết các hoá đơn chứng từ của các cơ sở, hộ nuôi không hợp lệ theo quy định...
Mọi người đều biết, thiệt hại của các cơ sở, hộ nuôi tu hài trong vụ dịch năm 2012 là thực tế. Các cơ quan chuyên môn cũng đã kiểm tra, thống kê thiệt hại và xác định nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Có điều bản thân các cơ sở, hộ nuôi khi tiến hành nuôi thả đã không ý thức, lường hết được những rủ ro, dịch bệnh có thể xảy ra, nên đã không chú ý đến việc lập hoá đơn chứng từ, giấy kiểm dịch trong quá trình mua bán con giống. Và điều này đã dẫn đến những vướng mắc khi thực hiện việc hỗ trợ cho người nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Đây chắc chắn sẽ là bài học, kinh nghiệm sâu sắc cho các hộ sản xuất - kinh doanh nói chung, các hộ nuôi trồng thuỷ sản, cụ thể ở đây là nuôi tu hài nói riêng. Song, như đã nói ở trên, thiệt hại đối với người nuôi là có thật, thậm chí là nặng nề. Vì vậy các cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu một hướng giải quyết nào đó phù hợp với thực tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở, hộ nuôi. Qua đó tạo động lực, niềm hứng khởi cho người dân khai thác, tận dụng các tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản nói chung và con tu hài nói riêng...
Thanh Tùng
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()