Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:51 (GMT +7)
Gỡ "nút thắt" thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Thứ 3, 28/09/2021 | 09:20:48 [GMT +7] A A
Triển khai các dự án ngoài ngân sách đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được coi là “chìa khóa” và động lực để tăng giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh, hình thành những chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, trong 4 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và 5 dự án đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, tiến độ triển khai đều rất thấp, chưa đạt kỳ vọng đặt ra. Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Dự án sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến thức ăn cho tôm sử dụng công nghệ cao (Giai đoạn 1) tại xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả) là một trong 4 dự án trọng điểm đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 1/2018. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Thủy sản N.G Cẩm Phả, diện tích quy hoạch là 144ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 430 tỷ đồng. Theo tiến độ cam kết, chủ đầu tư sẽ phải xây dựng các hạng mục công trình từ tháng 4/2018 đến tháng 12/2018 và đưa vào khai thác từ tháng 1/2019. Tuy nhiên, sau những mốc thời gian trên, các hạng mục gần như chưa được triển khai, chủ đầu tư cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND tỉnh xin gia hạn thực hiện dự án.
Ngày 6/8/2021, UBND tỉnh đã có văn bản số 5222/UBND-XD1 yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện những nội dung sau: Chuyển kinh phí 14 tỷ đồng cho TP Cẩm Phả để chi trả bồi thường GPMB; có cam kết phối hợp với thành phố hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất với thời gian, lộ trình cụ thể và hoàn thành các nội dung này trong tháng 8/2021; nghiên cứu đề xuất điều chỉnh rút ngắn thời gian thực hiện dự án phù hợp với khối lượng công việc còn lại để dự án sớm đi vào hoạt động; thực hiện việc góp vốn, huy động vốn đầy đủ... Tiếp đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Cẩm Phả cũng đã nhiều lần có văn bản đôn đốc nhà đầu tư thực hiện các nội dung trên theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, Công ty CP Thủy sản N.G Cẩm Phả vẫn chây ì trong việc triển khai và dự án sau nhiều năm vẫn chỉ là một bãi đất trống, gây lãng phí đất đai.
Tương tự như vậy, tháng 1/2021, UBND tỉnh có Quyết định số 237/QĐ-UBND chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cho dự án Nhà máy cưa xẻ, sấy gỗ thành phẩm và sản xuất, xuất khẩu plywood tại xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) cho Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát. Mục tiêu của dự án là gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến, hạn chế các sản phẩm thô, băm dăm, ván bóc và sản phẩm chế biến sơ, tạo điều kiện cho người dân Ba Chẽ có nơi để tiêu thụ sản phẩm. Đây là dự án có quy mô lớn với diện tích trên 14ha, tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng, dự kiến khi đi vào vận hành, dự án có công suất thiết kế lên tới trên 56.000 tấn gỗ xẻ/năm. Đáng chú ý là bên cạnh dự án này, Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát cũng đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu tại xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) với quy mô gần tương đương. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, cả 2 dự án đều chưa triển khai đầu tư do vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến thẩm định của các sở, ngành.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc các dự án chậm tiến độ đặt ra là do hồ sơ đề xuất dự án của các nhà đầu tư chưa có số liệu cụ thể về hiện trạng sử dụng đất, sử dụng rừng, chưa xác định rõ diện tích phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng. Một số dự án chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; nhiều nhà đầu tư còn thiếu thiện chí trong công tác phối hợp, chậm bố trí kinh phí chi trả bồi thường GPMB, chậm bổ sung hồ sơ tài liệu... Bên cạnh đó, công tác phối hợp vào cuộc giữa các sở, ngành và địa phương với doanh nghiệp cũng chưa thật sự chặt chẽ và quyết liệt.
Mới đây nhất, ngày 22/9, sau khi nghe các đơn vị báo cáo về kết quả triển khai các dự án ngoài ngân sách đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Ngành nông nghiệp là trụ cột quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa đảm bảo đời sống, an sinh xã hội, việc làm cho người dân nông thôn. Nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa có một dự án sản xuất nông nghiệp điển hình. Trong khi các tỉnh bạn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương... đã có rất nhiều các nhà máy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản rất hiện đại. Điều này cho thấy, chúng ta chưa có những chuyển biến mạnh mẽ, chưa chú tâm vào lĩnh vực này. Vì vậy, để các dự án sớm đưa vào sản xuất, các địa phương phải đưa tiến độ GPMB vào kiểm điểm công việc hàng tháng, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT phải hỗ trợ nhà đầu tư liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất. Quan điểm của tỉnh là không để các doanh nghiệp “tự bơi” trong quá trình đầu tư dự án.
Thực tế cho thấy, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này không phải là điều dễ dàng. Bởi nông nghiệp vốn là ngành tồn tại nhiều rủi ro do tác động của thiên tai, dịch bệnh. Việc triển khai dự án càng kéo dài càng làm cho doanh nghiệp đánh mất cơ hội đầu tư và phát sinh thêm nhiều chi phí. Do đó, đối với các dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, các sở, ngành, địa phương cần đi đến cùng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và cũng cần kiên quyết báo cáo tỉnh thu hồi những dự án chậm tiến độ. Đối với các dự án đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh thì cần sớm rà soát cụ thể, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ để doanh nghiệp có thể triển khai các bước tiếp theo.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()