Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:56 (GMT +7)
Chủ động phương án sản xuất nông nghiệp
Thứ 2, 20/09/2021 | 06:43:55 [GMT +7] A A
Quảng Ninh không phải là tỉnh trọng điểm và có lợi thế về sản xuất nông nghiệp nên phần lớn từ cây, con giống đến vật tư và các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn phải nhập từ tỉnh ngoài vào. Để tránh xảy ra tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm tại chỗ khi dịch bệnh tấn công vào địa bàn, việc xây dựng các phương án sản xuất cần phải được các địa phương chủ động và có phương án ngay từ sớm.
Trên cơ sở đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp và đặc thù mùa vụ thu hoạch nông sản trên địa bàn tỉnh cho thấy khả năng cung ứng giống để phục vụ sản xuất trong tỉnh vẫn còn thấp. Đơn cử, như nhu cầu giống lúa các loại cần khoảng 845 tấn để gieo cấy cho vụ Đông Xuân tới thì trong dân có khoảng 80 tấn, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh khoảng 500 tấn, số lượng 265 tấn còn lại do các doanh nghiệp tỉnh ngoài cung cấp. Đối với lợn giống, nhu cầu bình quân khoảng 29.300 con/tháng, nhưng hiện trong tỉnh khả năng cung ứng được trên 60%. Đối với giống gia cầm, nhu cầu bình quân khoảng 263.000 con/tháng, nhưng khả năng cung ứng trong tỉnh chỉ đạt khoảng 30%. Hiện trong tỉnh chỉ cung ứng đủ giống trong lĩnh vực thủy sản từ Công ty TNHH Thuỷ sản Việt - Úc Quảng Ninh (huyện Đầm Hà) với khoảng 70 triệu con.
Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhất là mặt hàng gạo, rau, củ quả cũng có nguy cơ thiếu hụt tại chỗ nếu bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo kế hoạch vụ mùa của các địa phương, diện tích gieo trồng lúa trong tháng 10 tới đạt gần 23.000ha, cho sản lượng gạo khoảng 78.000 tấn. Với số lượng này, dự kiến sản lượng gạo vụ mùa sẽ đáp ứng nhu cầu toàn tỉnh đến hết tháng 2/2022, tuy nhiên có 4 địa phương sẽ có nguy cơ thiếu hụt ngay từ tháng 12/2021 là Hạ Long, Cẩm Phả và các huyện Vân Đồn, Cô Tô.
Về mặt hàng rau, củ, quả các loại, trên cơ sở lịch thời vụ và diện tích gieo trồng của các địa phương với khoảng 13.000 tấn/tháng chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu toàn tỉnh và sẽ thiếu hụt mạnh trong những tháng cuối năm (bình quân thiếu gần 9.000 tấn/tháng).
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sau khi tiến hành rà soát, Sở đã làm việc với các địa phương và đơn vị liên quan để xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp cho từng kịch bản. Hiện Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh thu mua giống, vật tư đưa về các kho dự trữ, các điểm bán hàng phục vụ nhân dân. Trong trường hợp thực hiện cách ly xã hội, Sở và các đơn vị phân phối sẽ làm việc ngay với các đơn vị đầu mối tại các tỉnh, thành phố để có thể kịp thời cung ứng cho Quảng Ninh. Trong trường hợp cần thiết báo cáo Bộ NN&PTNT hỗ trợ, điều phối giống, vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất từ các tỉnh, thành phố khác về địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các địa phương cần chủ động có những phương án để đẩy mạnh sản xuất, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành, vừa tận dụng những dư địa sẵn có.
Theo tính toán, rà soát của Sở NN&PTNT, để giảm sự phụ thuộc vào các đơn vị tỉnh ngoài, trước mắt các địa phương cần gieo trồng đúng khung thời vụ, không để đất trống, đảm bảo lương thực tự cấp trong điều kiện dịch bệnh lâu dài và rải vụ thu hoạch để phục vụ tiêu thụ trong tỉnh. Trong đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang một số loại cây ngắn ngày, có tính thời vụ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách cung ứng trong tình hình dịch Covid-19.
Cùng với đó, các địa phương cũng cần tích cực chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và thu nhập cao hơn (rau đậu, khoai lang, đậu đỗ,...); chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức truyền thống an toàn sinh học và đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng, ưu tiên đến nơi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, tổng đàn lớn; tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tình hình dịch Covid-19 chưa bùng phát để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng; xây dựng kịch bản cụ thể cho việc huy động lực lượng, diện tích thu hoạch gắn với sản lượng kết nối tiêu thụ trên địa bàn; chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tham gia hỗ trợ thu mua, vận chuyển, tạm trữ nông sản, thủy sản…
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()