Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 08:39 (GMT +7)
Góp phần đa dạng hoá sản phẩm công nghiệp
Thứ 7, 08/12/2012 | 05:13:13 [GMT +7] A A
Tại Tuần Châu (TP Hạ Long), vừa diễn ra lễ ký kết hợp tác xây dựng nhà máy chế biến và sản xuất đất hiếm công nghệ cao giữa Công ty CP Đất hiếm toàn cầu (Tập đoàn Tuần Châu) với Công ty Singapore Winglee Resources PTE LTD (Singapore). Hai bên đã thống nhất thành lập công ty liên doanh có tên là Công ty TNHH Đất hiếm quốc tế Việt Nam - Singapore. Công ty sẽ xây dựng nhà máy tại Khu CN Việt Hưng (TP Hạ Long), với tổng nguồn vốn đầu tư là 35,5 triệu USD, trong đó phía Tập đoàn Tuần Châu góp 51%, còn lại là phía Công ty Singapore. Dự kiến sau khi Chính phủ cho phép, trong vòng 8 tháng nhà máy sẽ được xây dựng, hoàn thiện và đi vào hoạt động, với quy mô công suất những năm đầu từ 1.000 đến 3.000 tấn/năm. Trong giai đoạn đầu, nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sẽ nhập khẩu hoặc thu mua tại một số mỏ đất hiếm trong nước. Giai đoạn 2, Công ty sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu tìm mỏ đất hiếm để lập dự án đầu tư, khai thác...
Đất hiếm là tập hợp của 17 nguyên tố hoá học quý hiếm thuộc Bảng tuần hoàn Mendeleev, nó có số lượng rất nhỏ trong vỏ trái đất (vì vậy mà được gọi là đất hiếm). Ở Việt Nam, theo đánh giá của các nhà khoa học địa chất, trữ lượng đất hiếm có khoảng 10 triệu tấn, phân bổ rải rác ở các mỏ quặng vùng Tây Bắc; trong cát đen phân bổ dọc theo ven biển các tỉnh miền Trung.
Đất hiếm được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính, ô tô thân thiện với môi trường, nam châm; để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di động, pin mặt trời, motor điện hiệu suất cao, tivi màn hình phẳng, thiết bị quốc phòng (tên lửa, radar) và các công nghệ năng lượng sạch khác. Nó ngày càng đóng vai trò lớn đối với các ngành công nghiệp chế tạo và tương lai của thế giới. Được biết, hiện nay Nhật Bản là nước tiêu thụ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới. Và nước có trữ lượng và cung cấp đất hiếm nhiều nhất cho thế giới là Trung Quốc...
Ở Việt Nam, những năm qua, đất hiếm đã được sử dụng trong sản xuất, chế biến nam châm vĩnh cửu, thuỷ tinh, bột màu, chế tạo hợp kim gang, đèn hình tivi, vật liệu siêu dẫn...
Việc xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến đất hiếm trên địa bàn Quảng Ninh sẽ góp phần làm đa dạng hoá các sản phẩm công nghiệp, nhất là các sản phẩm từ nguyên liệu quý hiếm và tăng thu cho ngân sách của tỉnh. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()