Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 09:25 (GMT +7)
Hạ Long: Nhân rộng mô hình phòng cháy chữa cháy
Thứ 3, 30/05/2023 | 14:37:05 [GMT +7] A A
Nhằm nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy (PCCC) ngay từ cơ sở, năm 2022, Công an TP Hạ Long là một trong 2 địa phương đầu tiên cả nước triển khai thí điểm mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Đến nay, cả hai mô hình này được đánh giá hiệu quả khi người dân đã trở thành chủ thể trong thực hiện công tác PCCC.
Tháng 7/2022, Công an TP Hạ Long triển khai thí điểm mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” đầu tiên tại phường Bãi Cháy. Đây là phường có nhiều dịch vụ du lịch cũng như thu hút đông lượng khách du lịch; phần lớn các hộ dân ở đây vừa kết hợp nhà ở vừa kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, qua khảo sát của cơ quan chức năng, phần lớn các hộ dân không trang bị phương tiện chữa cháy. Trong các ngôi nhà tập trung nhiều hàng hóa, vật tư, vật liệu dễ cháy nổ, nhưng hầu hết chỉ có một lối ra vào chính. Hệ thống giao thông trong các khu dân cư nhỏ hẹp, nếu xảy ra hỏa hoạn, thiệt hại thường rất lớn.
Tham gia mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” có từ 5-15 hộ gia đình ở liền kề. Mỗi hộ được trang bị ít nhất một bình chữa cháy, một đầu báo cháy, một dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu), một chuông báo cháy tại tầng 1, hai nút nhấn báo cháy ở các vị trí phù hợp với kinh phí khoảng 3,6 triệu đồng. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau, bảo đảm khi ấn bất kể nút ấn nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình cùng kêu. Các thành viên trong hộ gia đình được hướng dẫn cài đặt và sử dụng thành thạo app “Báo cháy 114”, trong đó có cập nhật danh sách thành viên trong Tổ liên gia để sử dụng tính năng “Tôi an toàn” nhằm thông báo an toàn khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.
Chị Trần Thu Thủy (chủ cơ sở kinh doanh ăn uống tại khu phố 2, phường Bãi Cháy), cho biết: Gần đây, trên cả nước xảy ra không ít vụ hỏa hoạn thương tâm gây thiệt hại lớn về người. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng là do ý thức của người dân về PCCC còn thấp, các nhà dân lại ở trong ngõ nhỏ. Từ khi có mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, chúng tôi vừa được trang bị, nắm bắt thêm các kiến thức về PCCC vừa có sẵn phương tiện để chủ động ứng phó với sự cố cháy nổ một cách nhanh chóng. Mô hình này còn thiết thực ở chỗ, không chỉ đảm bảo an toàn PCCC mà các hộ trong Tổ liên gia đều thống nhất với nhau bất cứ lúc nào cần sự giúp đỡ (có trộm cướp, có người ốm đau cần đi cấp cứu...) thì cứ bấm chuông để tất cả các hộ dân còn lại đều biết để cùng nhau cứu người, cứu tài sản. Từ đó, góp phần gắn kết mối quan hệ thân tình, trách nhiệm trong làng xóm.
Cùng với “Tổ liên gia an toàn PCCC”, mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” đã được Công an TP Hạ Long phối hợp cùng với các xã, phường tiến hành khảo sát, lựa chọn các khu phố có ngõ, hẻm sâu, tập trung nhiều nhà ở, nhà kinh doanh với chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được. Tại những khu phố này được lắp đặt các tủ chữa cháy với kinh phí gần 3 triệu đồng (bình chữa cháy, dụng cụ hỗ trợ tiếp cận đám cháy ban đầu) tại khu vực ngã ba, ngã tư đông người qua lại, dễ nhận biết. Sau khi lắp đặt, các tủ chữa cháy công cộng được bàn giao cho công an phường, ban lãnh đạo khu phố quản lý, tuyên truyền để mọi người dân cùng bảo quản và sử dụng ngay khi phát hiện đám cháy.
Ông Vũ Tiến Kiên, Bí thư, Khu trưởng khu phố 4A (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) chia sẻ: Khu phố 4A có 19 tổ dân thì 5 tổ dân sống ở khu vực đồi cao, lối đi nhỏ hẹp. Điển hình như tổ 42 có 34 hộ dân sinh sống nhưng phần lớn là nhà cấp 4, phía đông là rừng keo còn phía bắc tiếp giáp với đồi chè nên nguy cơ cháy nổ vào mùa khô là rất lớn. Nếu xảy ra hỏa hoạn thì không phương tiện cứu hỏa nào có thể tiếp cận được vì lối đi chỉ rộng có hơn 1m, mà còn dốc cao hơn 200m. Với việc bố trí ”Điểm chữa cháy cộng cộng” đã giúp người dân trong tổ 42 rất phấn khởi, cảm thấy sự quan tâm của chính quyền địa phương đến lợi ích của từng người. Đặc biệt là nếu như trước kia, hầu hết mọi người xem công tác PCCC là nhiệm vụ của lực lượng chức năng cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức PCCC thì giờ đây, người dân đã tự giác và chủ động hơn trong công tác PCCC. Thời gian tới, chúng tôi mong sẽ có thêm nhiều điểm được lắp đặt hơn nữa và chắc chắn tất cả đều đồng tình, ủng hộ vì đó là quyền lợi, lợi ích của chính người dân.
Từ triển khai thí điểm một “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 10 “Điểm chữa cháy công cộng” ban đầu, đến nay, Công an TP Hạ Long cùng với các phường, xã đã nhân rộng thêm 26 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 38 “Điểm chữa cháy công cộng”. Không chỉ được nhân rộng và có mặt ở tất cả các xã, phường mà Công an TP Hạ Long còn tiến hành thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại những mô hình này.
Thượng tá Nguyễn Thành Kiên, Phó trưởng Công an TP Hạ Long, chia sẻ: Nhằm đảm bảo an toàn cháy, nổ cho người dân trên địa bàn, đơn vị luôn xác định công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính. Khi xảy ra cháy nổ, để công tác chữa cháy hiệu quả cần phải xác định được “thời điểm vàng” - thời điểm không quá 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Khi đám cháy mới bùng phát, nếu lực lượng tại chỗ (người dân) có thể xử lý và dập tắt kịp thời thì có thể kéo giảm thiệt hại về người và tài sản xuống mức thấp nhất. Đây cũng là lực lượng có thể tiếp cận đám cháy một cách nhanh nhất. Với phương châm “từng nhà an toàn - từng khu phố an toàn - từng xã, phường an toàn”, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục huy động sự vào cuộc của địa phương, của người dân để tiến tới 243 thôn, khu đều có những mô hình thiết thực này.
Từ quyết tâm và cách làm của TP Hạ Long trong nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” có thể khẳng định rằng, xây dựng thế trận PCCC toàn dân hay đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC chính là sách lược, chiến lược trọng yếu giúp giảm sâu các vụ cháy nổ, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Thực tế đã chứng minh là trong năm 2021, toàn thành phố có gần 30 vụ cháy nổ thì năm 2022 đã giảm sâu xuống chỉ còn 5 vụ và 5 tháng đầu năm 2023 chỉ xảy ra 3 vụ cháy nổ.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()