Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 19:24 (GMT +7)
Hạ Long: Quyết tâm ghi danh vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO
Thứ 6, 16/08/2024 | 05:36:58 [GMT +7] A A
Mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO là mạng lưới quốc tế bao gồm các thành phố thúc đẩy thành công việc học tập suốt đời trong cộng đồng để chia sẻ cảm hứng, bí quyết và phương pháp tốt nhất cho nhau. TP Hạ Long đặt mục tiêu đến năm 2025 được ghi danh ở mạng lưới này.
Xây dựng môi trường học tập toàn diện
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, chia sẻ: Việc tham gia mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO giúp cho người dân Hạ Long có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới; đồng thời, nâng cao uy tín và sự công nhận của cộng đồng quốc tế cũng như gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, sự thịnh vượng và phát triển bền vững. Nhận thức rõ những lợi ích trên, Hạ Long quyết tâm phấn đấu trở thành thành phố học tập toàn cầu trong thời gian gần nhất.
Theo đó những năm qua, ngành Giáo dục thành phố đã không ngừng đổi mới phương pháp, chú trọng giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống. Hiện TP Hạ Long liên tục là đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh về chất lượng và số lượng giải học sinh giỏi các cấp. Riêng trong năm học 2023-2024, thành phố dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Thành phố luôn quan tâm đến công tác phát triển giáo dục và tạo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng giữa miền núi và miền xuôi, đồng thời triển khai đầy đủ chế độ của giáo viên và học sinh, nhất là hỗ trợ đối với giáo viên công tác vùng cao, với trẻ em, học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách, người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, tự kỷ. Hiện số trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 99,12%. Năm 2023, 2024 thành phố triển khai đỡ đầu thường xuyên 138 trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến năm 18 tuổi, với mức 1 triệu đồng/tháng/em.
Theo chia sẻ của em Lương Cao Nhất (khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long), bố mẹ bỏ đi và hiện em đang sống cùng ông bà nội nay đã yếu. Với sự hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng từ các nhà hảo tâm vô cùng có ý nghĩa, tiếp thêm động lực để em cố gắng vươn lên trong cuộc sống và học tập.
Để đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho năm học 2024-2025, thành phố đang cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất 68 trường với kinh phí 41 tỷ đồng, đầu tư xây mới 9 công trình với tổng số tiền 151 tỷ đồng, mua sắm tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp cho 63 đơn vị trường học với kinh phí 19 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, thành phố có 70/117 trường đạt chuẩn quốc gia, dự kiến đến hết năm 2024 thành phố có 87/117 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 75%). Tất cả điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn tạo ra cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, học tập thường xuyên.
Bên cạnh đó, để thực hiện tiêu chí xây dựng môi trường học tập trong cộng đồng, thành phố đã triển khai bộ tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học trên toàn thành phố như “Công dân học tập", “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. Tính đến hết năm 2023, số gia đình đạt “Gia đình học tập” bằng 90% tổng số hộ đăng ký và 83% số hộ dân toàn thành phố; “Dòng học học tập” đạt 72% trên tổng số dòng họ; “Cộng đồng học tập” cấp xã đều xếp loại từ khá trở lên; 100% đạt đơn vị học tập.
Ưu tiên đầu tư cho giáo dục
Để được công nhận là thành viên mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO, các ứng cử viên phải vượt qua một quy trình xét duyệt hồ sơ chặt chẽ, công bằng và minh bạch. Hồ sơ được đánh giá qua các vòng độc lập bởi Hội đồng gồm các chuyên gia uy tín trên thế giới do UNESCO thành lập.
Hội đồng sẽ xét duyện căn cứ trên 42 tiêu chí, 57 chỉ số của Bộ tiêu chí thành phố học tập và câu trả lời mà các thành phố cung cấp cho khoảng 20 câu hỏi trong mẫu đăng ký của UNESCO. Thông qua đó, Hội đồng tiến hành đánh giá và xem xét sự phù hợp của thành phố ứng cử với các tiêu chí đề ra.
Tính đến thời điểm này, TP Hạ Long đã hoàn thành được 50/57 chỉ số, hiện còn 7 chỉ số chưa đạt, chưa tổng hợp được số liệu đánh giá, bao gồm: Số vụ tai nạn giao thông giảm so với năm trước; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có giấy phép vệ sinh ATTP; 100% số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia; toàn thành phố được phủ sóng wifi miễn phí; tỷ lệ người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng tăng hàng năm; tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người gấp 1,5 lần so với GDP cả nước; lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính giảm so với năm trước. Đối với những chỉ số chưa đạt, TP Hạ Long cam kết triển khai bằng các giải pháp đồng bộ, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, phấn đấu tham gia mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO trong năm 2025.
Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc xây dựng, lập hồ sơ đăng ký TP Hạ Long tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu”, ngày 13/8, thành phố đã làm việc với các chuyên gia Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng Bộ Ngoại giao đi khảo sát thực tế tại Bảo tàng và Thư viện tỉnh.
Ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Ủy viên Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, cho biết: Qua chuyến đi khảo sát và xem xét hồ sơ, chúng tôi nhận thấy Hạ Long đã có rất nhiều nỗ lực từ chủ trương cho đến xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để tham gia vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu”. Tuy nhiên, thành phố học tập toàn cầu là danh hiệu ngày càng danh giá và việc xét duyệt cũng được tiến hành khắt khe hơn. Do đó TP Hạ Long ngoài việc hoàn thiện các tiêu chí, chỉ số bắt buộc thì cần phải tìm ra điểm nhấn để tôn vinh, tìm những tiêu chí trọng điểm mà UNESCO đưa ra, cho thấy thành phố đang có những ưu tiên hàng đầu cho giáo dục.
Chung quan điểm này, chuyên gia Tống Liên Anh, thành viên của PIMA - Mạng lưới Chuyên gia, Nhà hoạt động xã hội, Học giả về Giáo dục người lớn và Học tập suốt đời quốc tế, khẳng định: Qua chuyến khảo sát tại Bảo tàng và Thư viện tỉnh, tôi nhận thấy thành phố mới đầu tư tốt cho “lớp vỏ”, còn về nội dung vẫn cần nhiều điều suy ngẫm. Lấy ví dụ như Thư viện tỉnh, các bạn mới tập trung vào sách giấy còn số hóa trong khi kỷ nguyên công nghệ 4.0 đã mở ra một thời đại mà ở đó sách và tài liệu giấy không còn ở vị trí độc tôn. Để tạo ra những công dân số trong nền kinh tế tri thức thì cần phát triển thư viện số và có kết nối đến hệ thống thư viện quốc gia và quốc tế. Việc đa dạng nhóm người đọc, người yếu thế (khiếm thính, khiếm thị…) cũng chưa được quan tâm, chưa có không gian riêng cho những người có nhu cầu nghiên cứu. Hay như một trong những yếu tố mà UNESCO rất quan tâm đó là giá trị văn hóa phi vật thể thì tôi nghĩ, Hạ Long cần quan tâm đến văn hóa biển, một nét đặc trưng thế mạnh riêng có của địa phương. Quan trọng nhất là thành phố phải làm rõ được những cam kết trong việc huy động mọi nguồn lực để xây dựng thành phố học tập. Để nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam, chúng tôi cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ với thành phố để có thể sớm hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
Mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013, tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về thành phố học tập tổ chức tại thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) theo đề xuất của Viện Học tập suốt đời UNESCO. Cho tới nay, mạng lưới trở thành động lực thúc đẩy bền vững trên khắp thế giới, thông qua học tập suốt đời ở cấp địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thế giới có 356 thành phố được ghi danh vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” tại 79 quốc gia, với hơn 390 triệu người dân được hưởng lợi cơ hội học tập suốt đời. Trong đó tại Việt Nam hiện có 5 thành phố, gồm: Hồ Chí Minh, Sơn La, Cao Lãnh, Đồng Tháp và Vinh. |
Hoàng Nga
- TP Hạ Long: Chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên
- Tham vấn xây dựng, lập hồ sơ đăng ký TP Hạ Long tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu”
- TP Hạ Long đồng loạt khởi công các dự án trọng điểm chào mừng đại hội Đảng các cấp
- Hạ Long phấn đấu gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2027
- Hạ Long: 65 giáo viên tình nguyện xin luân chuyển đến công tác tại vùng khó
Liên kết website
Ý kiến ()