Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:08 (GMT +7)
Thành phố của tình yêu và khát vọng
Chủ nhật, 22/10/2023 | 09:17:37 [GMT +7] A A
Trong hành trình phát triển của Hạ Long, tinh thần yêu nước, sự anh dũng kiên cường của những người thợ mỏ, của nhân dân lao động luôn là sức mạnh nội sinh, động lực cho sự phát triển mạnh mẽ. Nhìn lại chặng đường đó, chúng ta càng thêm yêu và tự hào về thành phố của mình.
Hành trình vươn mình kỳ diệu
Mấy chục năm trước nhiều người chỉ biết Quảng Ninh là vùng đất của than, của thợ mỏ. Tôi nhớ năm 1989, tốt nghiệp đại học, tôi được phân về Quảng Ninh công tác. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Hòn Gai là sự vắng vẻ, u buồn và bụi bặm. Tiếng là thị xã mà chỉ có một con đường chính lầy lội bụi than chạy suốt từ Bến phà Bãi Cháy đến Cẩm Phả. Cả thị xã chỉ có lèo tèo vài góc phố, nơi “oách nhất” là khu vực chợ Hạ Long I, phố Hàng Nồi (phường Hồng Gai), phố Cây Bàng (phường Bạch Đằng) bây giờ; lác đác có nhà mái bằng...
Khi chưa có cây cầu bắc qua Cửa Lục, Hòn Gai giống như ốc đảo bao quanh là biển, đi từ Hòn Gai sang Bãi Cháy phải qua phà. Tiếng là khu nghỉ mát đẹp nhất, nhì miền Bắc thời đó, nhưng các khách sạn phục vụ nghỉ dưỡng chủ yếu của Nhà nước, tiện nghi xoàng xĩnh.
Một trong những lý do khiến cho Quảng Ninh ngày đó không phát triển được là do giao thông vô cùng bất cập. Từ Hà Nội đi Quảng Ninh phải qua mấy lượt phà, cầu, có khi mất cả ngày mới đến được Hòn Gai. Giao thông nội tỉnh cũng rất khó khăn. Một ngày chỉ có vài chuyến xe đi ra tỉnh ngoài và nội tỉnh, nếu không xếp hàng từ sớm thì khó có thể mua được vé.
Sự nghèo khó lam lũ của mảnh đất này hằn in lên mỗi con đường, ngõ phố, địa danh, đều mang dấu ấn của cuộc sống vất vả, bình dị. Tôi nhớ một nhà văn từng viết: “Hòn Gai nhiều tên phố, nhiều địa danh gắn liền với những biến cố thời gian, mưu sinh... như Lán Bè, Lán Đạo, Bến Tàu, Bến Đoan, Lò Vôi, Lò Bát, Thư Ký, Thương Mại, Loong Toòng, Mắm Tôm, Ca-rô”. Những cái tên như Bãi Cháy, Kênh Liêm, Cột 3, Cột 5, Cột 8... nghe mộc mạc mà thân thương, gần gũi như những người thợ mỏ chất phác, người dân chài lam lũ, bươn chải bên những vụng, bãi ven sông, ven biển...
Thời gian trôi qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, Quảng Ninh và TX Hòn Gai không ngừng phát triển, đổi thay mạnh mẽ, bắt đầu từ năm 1993 khi Chính phủ ban hành Nghị định số 102/NĐ-CP về việc thành lập TP Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh. Với sự kiên quyết, sáng tạo, đột phá trong chỉ đạo điều hành của Đảng bộ, chính quyền thành phố, quyết tâm đồng lòng của toàn dân, Hạ Long đã vươn lên phát triển mạnh mẽ. Chỉ sau 10 năm thành lập, Hạ Long từ đô thị loại III đã được nâng cấp lên đô thị loại II và nay là đô thị loại I.
Đặc biệt, dấu ấn lịch sử của Hạ Long, ngày 17/12/2019 tại phiên họp thứ 40, UBTV Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của một số tỉnh, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long, đã tạo không gian phát triển của thành phố gấp hơn 4 lần diện tích cũ (1.119,12km2), trở thành đô thị lớn nhất nước. Sau 3 năm mở rộng địa giới hành chính, Hạ Long ngày càng khẳng định vị thế trung tâm, hạt nhân phát triển của tỉnh Quảng Ninh với đà tăng trưởng cao và ổn định, đóng góp gần 50% tổng thu nội địa của tỉnh.
Hạ Long trong trái tim mỗi người
Trên du thuyền sang trọng chở khách ven Vịnh Hạ Long ngắm cảnh TP Hạ Long về đêm, tôi gặp một người khách cao tuổi, có khuôn mặt trầm tư. Ông ngồi lặng trên boong tàu và nhìn hút về phía bờ. Khi tôi hỏi bác có thấy Hạ Long đẹp không ạ? Ông nhìn tôi và nói: "Đây là quê hương của tôi, nơi chôn rau cắt rốn của tôi". Và ông kể cho tôi nghe câu chuyện về Hòn Gai, sự thăng trầm và biến đổi ngoạn mục của vùng đất này.
Tôi năm nay 80 tuổi. Năm 20 tuổi, tôi theo họ hàng sang Hồng Kông rồi sang Anh sinh sống. Năm 1990 tôi về thăm quê, không thấy Hòn Gai thay đổi mấy. Nhưng giờ Hòn Gai thực sự khác xưa quá đỗi. Tuyến đường ven biển, khu đô thị Monbay rực rỡ ánh đèn kia, ngày xưa là bãi sú vẹt, lũ thanh niên chúng tôi thường cào hà, giăng câu bằng thuyền mủng. Khu vực Bến Đoan giờ là Khu đô thị Vinhome, xưa là khu tập thể của công nhân cảng; dân cư khu vực này khi đó chủ yếu sống bằng nghề buôn hàng cáy (seconhand) và chở đò thuê cho thủy thủ ra tàu. Không thể tưởng tượng nổi Hòn Gai giờ đẹp quá, tôi đi khắp phố phường mà ngỡ như đang đi ở thành phố nào đó ở châu Âu. Tuổi già đi lại khó khăn, con cháu đã dẫn tôi đi khắp thành phố để tìm lại chốn xưa. Đến đâu tôi cũng live stream để cho mọi người ở xa cùng xem. “Đây này, con đường phía dưới ngày xưa là Nhà máy cơ khí, khu sàng tuyển của Tuyển than Hòn Gai giờ là khu trung tâm tài chính của thành phố nhé; núi Ba Đèo ngày trước giờ đã thành khu du lịch quốc tế. Khu neo đậu thuyền mủng của dân chài giờ là Trung tâm thương mại Vincom...”. Khi biết nhà tôi ở Khu đô thị Cao Xanh, ông bảo: "Nơi cô sống ngày xưa là biển mênh mông, là bến cá của dân thuyền chài, ngày triều cường nước dâng lên tận bến phà cũ đó...".
Không chỉ những người xa quê lâu năm trở về mới thấy sự đổi thay, nhiều người mới 5, 10 năm chưa về thăm quê nay trở lại ngỡ ngàng như thể đi nhầm. Ông Ngô Văn Kết (Hà Nội) kể, cách đây gần 30 năm ông là chuyên viên của Bộ GT-VT được cử xuống Quảng Ninh hỗ trợ xây cảng. Ngày đó Hạ Long buồn tẻ và bụi bặm, đi từ Bãi Cháy sang Hòn Gai phải đi phà, hạ tầng chả có gì. Nhưng giờ quả thật không thể nhận ra dấu xưa nữa...
60 năm qua, cùng với sự phát triển của tỉnh, Hạ Long đã vươn lên không ngừng, tạo nên vóc dáng của một thành phố hiện đại, văn minh, đáng sống bậc nhất hiện nay.
Đặng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()