Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:16 (GMT +7)
Hạ tầng giao thông - động lực kéo gần khoảng cách chênh lệch vùng miền
Thứ 7, 23/04/2022 | 07:38:37 [GMT +7] A A
Giảm khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền bằng những hạ tầng giao thông mới cho vùng khó là mục tiêu chiến lược được Quảng Ninh ưu tiên triển khai. Với cách làm hiệu quả, bài bản, đến nay, Quảng Ninh đã được cả nước biết đến là tỉnh phát triển hạ tầng giao thông tốt nhất miền Bắc với nhiều dự án động lực quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của địa phương.
So với mặt bằng chung của tỉnh, Quảng Ninh vẫn còn nhiều địa phương khó khăn, phát triển chưa tương xứng với yêu cầu và tiềm năng, lợi thế; tỷ lệ hộ nghèo vẫn tập trung vào các hộ dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tuy được quan tâm đầu tư bằng các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng NTM, song đến nay vẫn bộc lộ những hạn chế về quy mô, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa có nhiều công trình có tính động lực, đột phá.
Với mục tiêu phát triển toàn diện, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định: Một trong ba khâu đột phá là “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh”. Để cụ thể hóa, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình hành động, mới đây nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi... Trong đó, nhấn mạnh quan điểm “giao thông đi trước một bước”, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, lấy phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo liên thông tổng thể. Từ đó, thúc đẩy kết nối, liên kết vùng đi trước, dẫn dắt, tạo ra không gian và các điều kiện mới cho thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Đồng chí Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết số 06-NQ/TU được ban hành, các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã nhanh chóng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nhóm mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong kế hoạch 5 năm (2021-2025). Trong đó, dành ưu tiên nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, liên thông, gắn kết chặt chẽ với hạ tầng giao thông động lực của tỉnh.
Giai đoạn trước mắt, sẽ tập trung hoàn thiện tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ với tổng số 13 công trình giao thông động lực, thiết yếu, kết nối nội huyện, liên huyện như: Mở mới tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ ở Tiên Yên; cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động - Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối đến Quốc lộ 18C thuộc địa bàn huyện Bình Liêu; nâng cấp chống ngập lụt tại Tỉnh lộ 330 huyện Ba Chẽ...
Mỗi dự án đều mang mục tiêu kết nối liên thông, tổng thể về giao thông phục vụ phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững... Điển hình trong đó, tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ ở Tiên Yên sẽ rút ngắn thời gian và quãng đường đi lại giữa 2 khu vực từ 40km xuống còn hơn 7km; kết nối với điểm du lịch thác Khe Vằn và tuyến du lịch Húc Động - Cao Ly - Khe Tiền - Sông Moóc A, Sông Moóc B - đỉnh Cao Ba Lanh... Tương tự, nâng cấp chống ngập lụt tại Tỉnh lộ 330 huyện Ba Chẽ sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng gián đoạn giao thông từ tuyến đường từ xã Đồn Đạc đi xã Đạp Thanh trong mùa mưa lũ...
Được biết, hiện các địa phương đang thực hiện rà soát, đề xuất, lập Đề án phát triển tổng thể và cụ thể từng mục tiêu bám sát các chỉ tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU của tỉnh. Đây được ví như luồng gió mới thổi bùng khát vọng phát triển của mỗi địa phương. Trong đó, hạ tầng giao thông sẽ đáp ứng được yêu cầu kết nối liên thông, tổng thể, hình thành được mạng lưới giao thông thông suốt, thuận lợi không chỉ nội huyện và liên huyện mà còn kết nối với hạ tầng giao thông động lực của tỉnh. Từ đó, mở rộng không gian, tạo ra các điều kiện phát triển mới, biến tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương thành nguồn tổng lực chung cho tỉnh; phục vụ phát triển sản xuất, tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân và đặc biệt sẽ giảm khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()