Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 13:52 (GMT +7)
Hai chiến công trên một dòng sông lịch sử
Chủ nhật, 05/03/2023 | 14:57:12 [GMT +7] A A
Tháng 10 âm lịch năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho đúc cửu đỉnh (chín đỉnh đồng) đặt ở kinh thành Huế. Sông Bạch Đằng của tỉnh Quảng Yên là một trong 18 con sông, kênh trong cả nước được chọn để mô tả trên các cửu đỉnh này chính là bởi những chiến công lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Hai trong số đó là các chiến công diễn ra trong thế kỷ thứ 10.
Trong gần ngàn năm chìm đắm trong ách đô hộ của phương Bắc, người Việt nói chung, người Việt ở vùng đất Quảng Ninh bây giờ không cam chịu ách đô hộ của ngoại xâm. Mùa xuân năm 40, hai Bà Trưng phất cờ nổi dậy. Từ trang Yên Biên, huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), Lê Chân dựng cờ khởi nghĩa, hưởng ứng, góp phần quan trọng vào giải phóng, thu 65 thành trì về cõi nước Nam. Năm 43, nhà Hán sai Mã Viện dẫn quân sang tấn công, đàn áp cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng. Đạo quân của Lê Chân chống trả quyết liệt nhưng không bảo toàn được lực lượng. Cuối cùng, bà đã gieo mình tự vẫn để bảo toàn khí tiết.
Hiện nay, bên sườn núi Vẻn, thôn An Biên, xã Thuỷ An (Đông Triều) có ngôi đền thờ Lê Chân. Năm 2017, đền được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Tinh thần bất khuất, không cam chịu ách nô lệ của nữ tướng vùng quê Đông Triều là tiền đề cho nhiều cuộc khởi nghĩa của người Việt chống lại ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc là Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường suốt từ đầu Công nguyên đến thế kỷ thứ 10.
Năm 907, ở Trung Quốc, nhà Đường sụp đổ. Vua Nam Hán là Lưu Cung đã đặt tên nước là Đại Hán với tham vọng bành trướng đất nước ta. Năm 930, vua Nam Hán đã mở cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ nhất. Chúng đã đánh bại được chính quyền họ Khúc, chiếm được phủ thành Đại La. Năm 931, tướng của họ Khúc là Dương Đình Nghệ đã dấy quân, nhanh chóng quét sạch quân giặc ra khỏi bờ cõi, giành lại chủ quyền dân tộc.
Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn ám hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Kiều Công Tiễn đã cho người sang cầu cứu vua Nam Hán. Nhân thời cơ đó, Nam Hán phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.
Lần này, vua Nam Hán sai con trai là Thái tử Lưu Hoằng Tháo thống lĩnh quân thủy vượt biển tiến vào nước ta. Tháng 10 năm 938, Ngô Quyền giết chết Kiều Công Tiễn, đồng thời huy động nhân dân cả nước khẩn trương chuẩn bị chống giặc.
Ngô Quyền huy động nhân dân đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt, đóng thành một bãi cọc ở cửa sông Bạch Đằng. Quân thủy bộ với sự tham gia của các lực lượng dân binh, bố trí mai phục sẵn ở phía trong bãi cọc, vùng hạ lưu sông Bạch Đằng.
Bạch Đằng, theo bộ sử "Cương mục" thì "Sông rộng hơn hai dặm, ở đó có núi cao ngất, nhiều nhánh sông đổ lại, sóng cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm che lấp bờ bến". Trong thế trận của Ngô Quyền, trận địa cọc giữ vai trò quan trọng, khóa đường tháo chạy của chiến thuyền địch và bao vây tiêu diệt triệt để quân giặc; là một nét độc đáo của trận Bạch Đằng, cũng là một sáng tạo rất sớm trong nghệ thuật quân sự Việt Nam mà người khởi xướng là Ngô Quyền.
Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy quân mai phục sẵn ở các nhánh sông và bên hữu ngạn sông Bạch Đằng. Khi cả binh đoàn thuyền lớn của Hoằng Tháo ào ạt vượt cửa biển An Bang tiến vào cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền cho một bộ phận dùng thuyền nhẹ ra khiêu chiến nhử địch vào trận địa. Hoằng Tháo kiêu ngạo thúc đại quân đuổi gấp, vượt qua bãi cọc ngầm. Đợi thủy triều xuống, Ngô Quyền mới cho quân mai phục đổ ra đánh. Thuyền địch tháo chạy, va vào cọc bị đâm thủng, chìm đắm gần hết. Hoằng Tháo bị đâm chết tại trận. Quân ta giết và bắt sống hầu hết quân Nam Hán.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã ghi vào lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử chống ngoại xâm nói riêng, như một sự kiện trọng đại có vị trí và ý nghĩa lịch sử hết sức lớn lao. Đây được coi là cột mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Chiến thắng đã giúp phá bỏ nền thống trị hơn 1.000 năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc ta.
Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi, xưng hoàng đế lập ra nhà Tiền Lê và xây dựng chính quyền mới theo thể chế quân chủ.
Lợi dụng tình hình nước ta có khó khăn, nhà Tống sai tướng Hầu Nhân Bảo cầm đầu kéo vào xâm lược nước ta. Mùa xuân năm 981, quân xâm lược do Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ chỉ huy ồ ạt kéo vào Lạng Sơn, đồng thời một cánh quân khác do Lưu Trừng, Giả Thực chỉ huy theo đường thủy tiến vào phía cửa sông Bạch Đằng.
Lê Hoàn trước hết cho quân chặn đường thủy, đội quân của Lưu Trừng tiến vào sông Bạch Đằng, vấp ngay sự kháng cự của quân ta, phải chiến đấu vô cùng vất vả. Những ngày đầu, thế của địch rất mạnh, nhiều chiến thuyền của ta bị địch cướp, hơn một ngàn binh sĩ phải hy sinh. Những cọc đóng trên sông Bạch Đằng không phát huy được tác dụng như thời kỳ của Ngô Quyền, nhưng cũng gây cho địch rất nhiều trở ngại. Lê Hoàn chỉ huy quân sĩ, dựa vào thế hiểm của sông núi Bạch Đằng, để cầm chân quân giặc. Cuộc xâm lược của nhà Tống sau đó đã bị đập tan với trận đánh quyết liệt diễn ra tại vùng Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội). Quân Tống đại bại, bị tiêu diệt phần lớn, Hầu Nhân Bảo bị chém chết tại trận.
Chiến thắng của Ngô Quyền và Lê Hoàn trước kẻ xâm lược phương Bắc diễn ra cùng trong thế kỷ thứ 10, cách nhau chỉ hơn 40 năm trên cùng dòng sông lịch sử là những nét son đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử Quảng Ninh nói riêng, là tiền đề cho nhiều thắng lợi to lớn hơn sau này.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()